Những gì đã thể hiện trước Iceland cho thấy một hình ảnh hoàn toàn đáng tin tưởng từ đội tuyển Pháp của Didier Deschamps. Một tập thể với những "mũi kiếm" sắc lẹm, lối chơi bùng nổ, và cả sự thực dụng đến tàn nhẫn trong từng cơ hội săn mồi.
Đó là một đội Pháp không chỉ sẵn sàng cho cuộc đại chiến với người Đức, mà còn sẵn sàng cho cuộc chinh phục ngai vàng cao nhất tại cựu lục địa.
"Les Bleus" của Deschamps đang mang hình ảnh của tuyển Pháp năm 2000, khi họ sở hữu những thứ vũ khí hạng nặng và đầy chất lượng trên đường chinh phục chiếc Cúp Henri Delaunay. Đó là sự đa dạng và những khối thuốc nổ từ hàng tiền vệ. Là kinh nghiệm của các trụ cột đang chơi bóng trên khắp cựu lục địa. Là một tập thể biết thu mình đúng lúc, nhưng cũng sẵn sàng thổi bay những vật cản ở thời điểm quyết định. Và trên hết, là một đội bóng giàu khát khao và tin tưởng vào khả năng của chính mình.
Iceland rõ ràng chưa phải là một đối thủ xứng tầm để đo đếm sức mạnh thực thụ của người Pháp tại giải lần này. Nhưng không vì thế mà người ta đánh giá thấp chiến thắng của "Gà trống Gaulois." Bốn bàn thắng trong hiệp 1 không chỉ đơn thuần là một kỷ lục mới của EURO. Nó còn cho thấy một đội Pháp có quá nhiều miếng đánh, quá nhiều sự lựa chọn, và luôn tiềm ẩn một con thú dữ khó lường ở mặt trận tấn công.
Khi Kante bị treo giò, sự xuất hiện của Moussa Sissoko là một minh chứng cho cái gọi là “kho hàng đầy tài nguyên” của Deschamps. Không Schneiderlin, cũng chẳng phải là Cabaye như dự đoán. Dĩ nhiên với Sissoko - tiền vệ có xu hướng luôn lao lên phía trước chứ không phòng thủ đơn thuần, đội bóng xứ lục lăng lộ rõ ý đồ tấn công chủ động ở Tứ kết trước một đối thủ kém cơ. Nhưng sự xuất hiện của cầu thủ Newcastle cũng đã cho thấy người Pháp đang có quá nhiều ý tưởng về nhân sự để thực thi chiến thuật.
Đó là một bước tiến lớn của Deschamps, người vẫn được xem là học trò ưu tú nhất của chiến lược gia cổ điển Aime Jacquet. Ông đã xây dựng được một tuyển Pháp đủ sức chuyển hóa và vận hành các cách chơi đầy hiện đại và hiệu quả, thay vì chỉ tập trung cân bằng sức mạnh giữa tấn công và phòng thủ như năm 1998.
Iceland, dù là một hiện tượng, nhưng vẫn không thể so với người Đức trong trận chiến sắp tới. Kể từ sau thế hệ vàng của Zinedine Zidan, Pháp đã bắt đầu phải chứng kiến sự thống trị của Tây Ban Nha, rồi Đức. Sự thật, Đức vẫn luôn là một đối thủ rất, rất khó chơi với "Les Bleus."
Người Pháp chắc chưa thể quên cách mà Tây Đức hạ gục Platini đồng đội tại World Cup 1986. Khi ấy, bất chấp phong độ và tinh thần lên cao của Gà trống Gaulois sau khi loại Brazil, họ vẫn bị người Đức đánh bại tại Bán kết trong một thế trận nghẹt thở về chiến thuật. Sự kỷ luật và chính xác, cách vận hành lối chơi khoa học, cùng sức bền đáng nể - không ngạc nhiên - vẫn luôn là vật cản lớn đối với những đội bóng mang phong cách hào hoa như Pháp.
Không cần phải xem xét quá kỹ những băng hình tại EURO năm nay, Deschamps hẳn cũng biết rõ những khó khăn mà ông sẽ phải đương đầu ở Marseille. Cách mà Đức vượt qua Italy là một kịch bản rùng rợn không dành cho những ai yếu bóng vía. Đấu với đội quân của Joachim Loew, điều đầu tiên không phải là chuyên môn, mà chính là tâm lý.
Thật may khi "Les Bleus" đã thể hiện một sự thoải mái đầy lạc quan ở Tứ kết. Không có sự căng thẳng nào đáng kể khi các chàng trai áo lam xung trận trước Iceland. Một phần vì những bàn thắng sớm. Nhưng phần khác cũng bởi sự tự tin được bồi đắp qua từng chiến quả.
Có thể thấy, các cầu thủ của Deschamps đang đạt điểm rơi rất tốt về phong độ. Và trên hết, họ còn đạt được những thành quả quan trọng về phong cách. Một phong cách ổn định pha trộn giữa tốc độ, kỹ thuật truyền thống, cùng sự chặt chẽ mang âm hưởng Italy. Điều này cũng chẳng có gì lạ khi vị thuyền trưởng của họ đã giành gần chục danh hiệu trong nửa thập kỷ lăn lộn cùng câu lạc bộ Juventus.
Trận chung kết sớm sẽ hứa hẹn rất quyết liệt và khó đoán. Tại EURO trên sân nhà, có thể nói đây là lần đầu tiên Pháp đứng trước một thử thách đầy nghiệt ngã trên đường chinh phục chiếc vương miện châu Âu. Những lễ hội thực sự sẽ chờ sẵn ở Marseille, nếu "Les Bleus" có thể trở lại Stade de France trong trận đấu cuối. Còn trái lại, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa khi tham vọng suy tàn.
Một số thống kê đáng chú ý:
- Antoine Griezmann đang dẫn đầu danh sách ghi bàn tại EURO 2016 với 4 bàn. Xếp ngay sau là hai đồng đội Olivier Giroud và Dimitri Payet với 3 bàn. Alvaro Morata của Tây Ban Nha và Gareth Bale của xứ Wales cũng ghi được 3 bàn.
- Đây là lần thứ 3 Pháp đăng cai vòng chung kết EURO. Năm 1984, họ là nhà vô địch. Năm 1960 thì xếp thứ tư.
- Pháp bất bại trong 9 trận gần đây. Thất bại gần nhất của họ là trước Anh, thua 0-2 ở trận giao hữu vào ngày 18/11/2015