Đông Anh triển khai chuỗi sản xuất an toàn có truy xuất nguồn gốc

Ngày 15/1, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh chính thức khai trương chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đồng thời ra mắt Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn.
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc của Bưởi Đông Cao trồng tại huyện Đông Anh. (Ảnh: Nguyễn Hạnh/Vietnam+)

Ngày 15/1, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh chính thức khai trương chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đồng thời ra mắt Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn của huyện.

[Hà Nội chính thức ra mắt Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc]

Ông Nguyễn Xuân Linh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện chia sẻ: “Đông Anh là huyện ngoại thành phía Bắc của Thủ đô Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm dần và hiện còn khoảng 9.000ha.”

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, toàn Huyện có khoảng 800 ha sản xuất rau an toàn tập trung tại 7 xã (Vân Nội, Nam Hồng, Bắc Hồng, Nguyên Khê, Tiên Dương, Cổ Loa, Tàm Xá), về chăn nuôi có trên 70.000 con lợn, 2,2 triệu con gia cầm và 120 ha sản xuất thủy. Mỗi năm, người dân trong Huyện cung cấp ra thị trường khoảng 90.000 tấn rau các loại, gần 4.000 tấn thịt lợn và 5.000 tấn thịt gia cầm.

Đông Anh khai trương hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

“Với những yêu cầu cấp thiết của toàn xã hội về nông sản thực phẩm an toàn, Huyện đã chỉ đạo quyết liệt và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp và các hộ nông dân trong việc sản xuất, sơ chế, chế biến, cung ứng thực phẩm an toàn,” ông Linh nói.

Về hoạt động sản xuất, trên địa bàn Huyện có nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả với 40 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn với diện tích 560 ha, sáu cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, một cơ sở sản xuất rau hữu cơ và nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp cùng tham gia liên kết sản xuất và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua hình thức chuỗi liên kết giá trị nông sản.

Ngoài ra, cả Huyện cũng có 200 mô hình kinh tế trang trại kinh tế chăn nuôi tập trung, trong đó 11 trang trại chăn nuôi được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đáng chú ý, trên địa bàn Huyện, người dân đang dần giảm thiểu các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún trong khu dân cư.

Đông Anh hiện có 560 ha trồng rau an toàn. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Ông Linh cho biết: “Với việc ra mắt chuỗi liên kết chất sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn có kiểm soát và hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh hướng mục tiêu nâng cao nhận thức và khuyến khích cho người dân và doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản an toàn, thông qua hoạt động hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, có sự hỗ trợ kết nối cung - cầu, xây dựng các chuỗi liên kết cho nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn quốc tế.”

Để tăng cường minh bạch thông tin về quy trình sản xuất nông sản an toàn có sự kiểm soát của người tiêu dùng, quy trình xác thực của hệ thống truy xuất điện tử sẽ được áp dụng. Cụ thể là quy trình xác thực chống hàng giả và công nghệ CheckVN, thiết lập Hệ thống truy xuất nguồn gốc và kết nối cung cầu nông, lâm, thủy sản thực phẩm tại địa chỉ tên miền da.check.net.vn do Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) sáng chế và cung cấp.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển cho biết, hệ thống da.check.net.vn đang kết nối vào hệ thống truy xuất chung của thành phố Hà Nội. Và hiện tại, hệ thống của Đông Anh đang lưu giữ thông tin của 332 sản phẩm của 24 cơ sở hợp tác xã sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn trên địa bàn Huyện./.

Gian hàng cung cấp thực phẩm, nông sản an toàn tại huyện Đông Anh. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục