Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu thị trường tài chính, khai thông nguồn lực đầu tư nhằm đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập.
Theo đó, các tỉnh, thành phố khu vực phát triển nguồn cung cho thị trường tài chính (gồm hàng hóa và sản phẩm tài chính); mở rộng các tổ chức cung cấp dịch vụ (ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán); phát triển nguồn cầu (là các nhà đầu tư trong ngoài nước). Đồng thời, tạo hàng hóa tài chính thông qua việc phát hành các loại chứng khoán, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thành lập quỹ đầu tư phát triển theo mô hình thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã làm thành công.
Các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng thành lập các công ty đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động theo phương thức Nhà nước và các công ty cổ đông góp vốn, cùng khai thác và niêm yết cổ phiếu; thành lập sàn giao dịch nông sản như giao dịch các hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai hay hợp đồng quyền chọn nhằm tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, làm căn cứ cho các đơn vị nắm bắt thông tin về khối lượng tiêu thụ, giá mua bán.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, các tỉnh, thành phố trong khu vực cập nhật chuyển biến của hệ thống tài chính trong nước và quốc tế song song với đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính; đa dạng công cụ tài chính, đa dạng đầu tư tài chính, liên kết giữa các tổ chức tài chính trong vùng nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Bên cạnh đó, các tỉnh xây dựng hệ thống thông tin hiệu quả nhằm giảm rủi ro, chi phí giao dịch trong phân bổ vốn đầu tư; nhanh chóng cổ phần hóa ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng huy động vốn; phát huy mạnh vai trò của các trung tâm xúc tiến, các hiệp hội trong phát triển thương mại quốc tế; cải thiện môi trường đầu tư cho thông thoáng hơn nhằm thu hút mạnh vốn đầu tư; quan tâm đến cấu trúc tài chính vi mô ở nông thôn.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nước ta, tiêu thụ 20% hàng hóa, dịch vụ của cả nước nhưng trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, giao dịch chứng khoán còn yếu kém.
Thị trường vốn tại khu vực này còn nhiều khó khăn; người nghèo được vay vốn thấp; đối tượng chính cần vốn là doanh nghiệp lại chưa tiếp cận đủ nguồn vốn mà họ cần; quy mô doanh nghiệp cũng chưa tương xứng với tiềm năng; toàn vùng có khoảng 51.000 doanh nghiệp, trong đó 95% số doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ. Bình quân lợi nhuận mỗi năm của một doanh nghiệp chỉ khoảng 300 triệu đồng. Vốn đầu tư nước ngoài tại đây chỉ bằng 5% cả nước./.