Ngày 30/11, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đã diễn ra tọa đàm xúc tiến Hợp tác kinh tế giữa Cần Thơ/Đồng bằng sông Cửu Long và Pháp.
Hoạt động này do Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại-Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), Mạng lưới kinh doanh châu Âu-Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hơn 40 doanh nghiệp Pháp đã dự hội nghị dưới sự chủ trì của ông Võ Thành Thống, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tổ chức tại Paris (Pháp) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Long, quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ cho rằng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp tiếp tục có những bước phát triển quan trọng trong thời gian qua, nhất là về kinh tế. Pháp hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch hai chiều đạt 3,5 tỷ USD năm 2014, tăng 10,7% so với 2013.
Pháp hiện đứng thứ 2 trong EU về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,38 tỷ USD tính đến tháng 6/2015.
Với việc ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), dự kiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới với sự tham gia ngày càng nhiều của doanh nghiệp Pháp tại thị trường Việt Nam, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn với nhiều thế mạnh hấp dẫn.
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã trình bày những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài của Cần Thơ nói riêng và của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đây là khu vực có nguồn nhân lực dồi dào được đào tạo với chi phí lao động còn ở mức khá thấp, có thị trường nội địa với số dân gần 18 triệu người, có hệ thống hạ tầng cơ sở đang được xây mới, cải tạo và nâng cấp mở rộng một cách toàn diện, kết nối cả về đường biển, đường bộ và đường sông, đồng thời là trung tâm sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng đánh bắt thủy sản lớn nhất cả nước.
Các ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư từ Pháp bao gồm nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thực phẩm; công nghệ sinh học; cơ khí nông nghiệp; chuỗi cung ứng, dịch vụ nông nghiệp, may mặc, giày dép, công nghệ thông tin, giáo dục...
Chủ tịch CCIFV Nicolas du Pasquier cùng Giám đốc CCIFV Guillaume Crouzet và bà Delphine Rousselet, Giám đốc Mạng lưới kết nối doanh nghiệp châu Âu-Việt Nam đã trình bày những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Pháp nói riêng và châu Âu nói chung về tình hình và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, những cơ hội và thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp hai bên khi EVFTA được triển khai.
Các doanh nghiệp Pháp đồng thời cho rằng Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành nơi thu hút đầu tư của Pháp và châu Âu trong thời gian tới vì có nhiều thế mạnh vượt trội.
Kết thúc tọa đàm, các bên đã ký ba bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác. Ngay sau tọa đàm, ngày 1/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đã có buổi làm việc với Bộ Ngoại giao Pháp và Cơ quan hợp tác địa phương Pháp về công tác chuẩn bị Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt-Pháp lần thứ 10 dự kiến tổ chức tại Cần Thơ, tháng 9/2016./.