Năm 2020 đánh dấu một năm đặc biệt đối với mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và đời sống tôn giáo nói riêng.
Dịch COVID-19 xảy ra khiến nhiều sự kiện tôn giáo lớn phải hủy, nhiều hoạt động Phật sự, sinh hoạt mục vụ phải tạm ngưng hoặc tổ chức theo hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn cho các chức sắc, chức việc, người theo đạo.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã có văn bản đề nghị các ban, viện trung ương; Ban Trị sự Giáo hội các tỉnh, thành phố; cơ sở đào tạo Phật giáo và tăng, ni các chùa, cơ sở tự viện tạm dừng việc tổ chức lễ hội, pháp hội, khóa lễ, khóa tu tập trung đông người.
Xem xét việc lùi lại thời gian tổ chức Đại giới đàn ở các Ban Trị sự đã được Giáo hội chấp thuận lịch tổ chức. Các chỉ đạo của Giáo hội được tăng, ni, phật tử thực hiện nghiêm túc.
Giáo hội Công giáo Việt Nam quyết định đình hoãn vô thời hạn Đại hội La Vang lần thứ 32 tại Quảng Trị. Đây là một lễ hội văn hóa tôn giáo không chỉ đối với người theo Công giáo mà còn có ý nghĩa với mọi người dân trong khu vực miền Trung.
[Trưởng ban Dân vận TW chúc mừng các vị chức sắc, đồng bào Công giáo]
Mỗi năm, hàng trăm ngàn người trong cả nước hành hương về dự lễ. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 tái bùng phát ở Việt Nam vào cuối tháng 7/2020, Tòa Tổng Giám mục Huế đã thông báo đình hoãn vô thời hạn Đại hội và đây cũng là lần đầu tiên Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc La Vang đình hoãn tổ chức.
Cùng với đó, nhiều tổ chức tôn giáo đã chủ động hướng dẫn các cơ sở thờ tự thực hiện biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức Đại lễ Phật đản, lễ Vu lan, Phục sinh theo hình thức trực tuyến, không tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội…
Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, sự đồng tâm của đồng bào có đạo nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế.
Không chỉ thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đồng bào các tôn giáo còn tổ chức các buổi cầu nguyện cho thế giới mau thoát khỏi đại dịch, tích cực tham gia vào các phong trào do các cấp chính quyền phát động, đóng góp nhân lực, vật lực, chung sức cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn, hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ, thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội.
Có thể thấy, dù đường hướng, phương châm hành đạo khác nhau, nhưng các tôn giáo đều có chung một định hướng là gắn bó, đồng hành với dân tộc, với đất nước, sống tốt đời, đẹp đạo.
Trong các chuyến thăm, chúc mừng Giáng sinh năm 2020 tại các tổng giáo phận, giáo phận, hội thánh…, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ đều đánh giá cao những đóng góp tích cực của đồng bào theo đạo Công giáo, Tin lành trong công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ..., đặc biệt là đã chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước đi lên.
Một mùa Giáng sinh lại đến trong niềm vui chung của đồng bào Công giáo, Tin lành cả nước.
Khác với mọi năm, khi mọi giáo dân đều có thể tập trung tại nhà thờ để làm lễ cầu nguyện, cùng đón thời khắc Chúa sinh ra đời, năm nay, do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc đón mừng Noel có những ảnh hưởng nhất định, nhưng không vì thế mà làm vơi bớt niềm vui trong ngày lễ trọng này.
Trong thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2020, nhắc đến những thách thức khi gây dựng lại cuộc sống sau mưa lũ, ước mong khắc khoải và âu lo mong chờ thế giới qua cơn đại dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo (Hội đồng Giám mục Việt Nam) Huỳnh Văn Hai cho rằng, lễ Chúa Giáng sinh dù có bị xáo trộn bởi thiên tai, dịch bệnh, vẫn luôn là một sự kiện trọng đại, mang đến niềm vui lớn lao cho con người ở mọi nơi, mọi thời.
“Chúa Giáng sinh làm người, một sự kiện lịch sử không bao giờ phai lạt trong cuộc sống nhân loại, đã dần dần trở thành một ngày lễ chan hòa niềm vui cho toàn thế giới. Trong dịp lễ này, chẳng phân biệt màu da sắc tộc, gác lại những hận thù của chiến tranh, người ta vui cười ca hát, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, gửi cho nhau những ước mơ thanh bình,” thư viết.
Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo nhắc nhở sinh viên, học sinh của mình cầu nguyện cho những người nghèo, những người đau khổ vì thiên tai và hơn 1,5 triệu người trên thế giới vì dịch COVID-19 đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng của đêm Chúa Giáng sinh.
Trong thư mục vụ Giáng sinh 2020, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Vũ Văn Thiên xin Chúa “an ủi và ban niềm hy vọng cho các bệnh nhân, các bác sỹ, nhân viên y tế, những người chăm sóc bệnh nhân và những ai đang gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19”; kêu gọi các linh mục, tu sỹ, đồng bào Công giáo “chung tay góp sức làm cho cuộc sống này thêm đẹp hơn, nhân ái hơn.”
Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên chia sẻ, lễ Giáng sinh năm nay, Tổng giáo phận chú ý đến những người nghèo, nhất là những hộ gia đình bị ảnh hưởng do bão lũ ở miền Trung.
“Lễ Giáng sinh năm nay cũng là dịp để chúng tôi kêu gọi tình bác ái, vừa cầu nguyện cho những nạn nhân, nhưng cũng chung tay để giúp đỡ đồng bào. Trong mùa Giáng sinh, chúng tôi tổ chức nhiều phái đoàn đi thăm và có chương trình giúp đỡ những nạn nhân bão lụt,” Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên nói.
Theo Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, niềm vui Giáng sinh cũng là niềm vui trong tâm hồn của các tín hữu, những người Kitô giáo trên khắp thế giới. Do dịch COVID-19, nhiều nước không tổ chức lễ Giáng sinh, nhưng điều đáng mừng là ở Việt Nam vẫn tổ chức được, bầu không khí Giáng sinh đã có từ 3 tuần trước.
Tuy không được như mọi năm, nhưng Tổng giáo phận cũng cố gắng áp dụng các biện pháp để phòng, chống dịch COVID-19 như giảm thời gian thực hiện nghi lễ, tránh tập trung quá đông người…
“Hy vọng với sự cộng tác của mọi tín hữu và sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhất là ngành y tế, chúng tôi sẽ có một Giáng sinh an bình như mong ước… Chúng tôi cũng mong ước các giáo xứ tổ chức thánh lễ gọn nhẹ và với tinh thần áp dụng các biện pháp chống dịch. Ai cũng muốn một cuộc sống an lành. Đây là dịp để chúng ta thể hiện cuộc sống an lành một cách cụ thể nơi gia đình, nơi xứ đạo và nơi cộng đồng xã hội,” Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên bày tỏ./.