Để phòng chống COVID-19, nhiều địa phương đã ban hành các biện pháp phòng dịch cần thiết như đóng của các phòng tập gym, yoga, hạn chế việc tập thể dục,… khiến nhiều người cảm thấy cuồng chân trong khi nhu cầu hoạt động ngoài trời vẫn cao. Hơn nữa, việc đi lại bằng phương tiện công cộng như xe bus cũng không còn là lựa chọn hàng đầu vì mọi người hạn chế tiếp xúc nơi nơi công cộng. Điều này kéo theo nhu cầu sử dụng xe đạp tăng đột biến.
Nhu cầu xe đạp tăng cao
Hai tháng nay, thay vì sử dụng xe bus để đi học như trước, Tuấn Sang (Hoàng Mai, Hà Nội) chuyển sang dùng xe đạp làm phương tiện đi lại hàng ngày. Sang chia sẻ: “Phòng tập gym đóng cửa, đi xe bus lo dịch bệnh nên em tậu chiếc xe đạp khoảng hơn 6 triệu đồng để đi tiện cho việc đi học và tập thể dục mỗi buổi chiều.”
Sống tại khu đô thị cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, vợ chồng chị M.B (Ecopark) quyết định mua 1 cặp xe đạp có giá khoảng gần 4 triệu đồng/chiếc để rèn luyện sức khỏe vào thời gian rảnh rỗi khi phải làm việc từ xa. “Nơi tôi ở có nhiều khu đất rộng, sân vườn thoáng mát nên hai vợ chồng đã quyết định mua xe đạp để vận động xung quanh nhà, vừa xả stress sau mỗi giờ làm việc mệt mỏi lại thay cho việc tập thể dục hằng ngày,” chị M.B cho hay.
Nếu trước đây, xe đạp thường xuất hiện ở vùng quê và tại Hà Nội hầu hết sẽ là người lao động nghèo, lớn tuổi và một số người đam mê thể thao thì nay lại được nhiều người ưa chuộng. Không chỉ với Tuấn Sang hay chị M.B, trên các tuyến phố Thủ đô, không khó để bắt gặp người đi xe đạp, với đủ mọi lứa tuổi.
Để đưa phong trào ngày càng phát triển, nề nếp, những người đam mê môn xe đạp thể thao đã thành ra các nhóm, câu lạc bộ như Tour de Five, N.H.O.E Bikes, Cycling for environment (C4e), Lake bike, Moutain bike Hà Nội,...
Ngoài ra, cũng có nhiều địa phương, đơn vị đã thông qua việc đạp xe để tổ chức các sự kiện ý nghĩa vì cộng đồng, điển hình như việc đạp xe hưởng ứng Giờ Trái Đất bởi Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh; phong trào đạp xe vì môi trường tổ chức bởi sở, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế hay các lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đạp xe khắp các tuyến phố của Thủ đô để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam…
Số lượng xe đạp bán ra tăng vọt
Những ngày này, tại nhiều cửa hàng xe đạp trên địa bàn thành phố Hà Nội việc mua bán trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Theo khảo sát của phóng viên, một số điểm bán thường xuyên rơi vào tình trạng khan hàng do số lượng xe không đủ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Anh Hoàng Quân, nhân viên một cửa hàng xe đạp ở phố Bà Triệu (Hà Nội) cho biết lượng xe đạp bán ra trong tháng qua tăng 200% so với thời điểm trước đó. Trung bình một ngày anh Quân giao khách khoảng 10-15 xe, có những ngày cao điểm số lượng xe bán ra lên tới 30 chiếc. Nhiều mẫu xe cháy hàng, chưa kịp về để phục vụ nhu cầu của "Thượng đế."
Theo nhiều chủ cửa hàng bán xe đạp, phần lớn người mua thường chọn những dòng xe tầm trung, giá dao động từ 3,5 tới 8 triệu đồng/chiếc. Đó là những mẫu mã của hãng xe quen thuộc như ASAMA, TOTEM, GALAXY…
Đơn cử, chiếc xe địa hình đang được bán rất chạy ở cửa hàng anh Quân là mẫu GALAXY A5-26 có mức giá 3,8 triệu đồng/chiếc. Mẫu xe này sử dụng bộ khung hợp kim nhôm, có phanh đĩa, sử dụng tay đề Shimano 7 cấp độ; mẫu đắt tiền hơn là AT-10 có giá 7,7 triệu đồng sẽ được sử dụng bộ khung cao cấp hơn cùng với bộ tay đề tốt hơn,…
Bên cạnh những dòng xe tầm trung, còn có những dòng cao cấp hơn có giá từ 10-30 triệu đồng/chiếc, thậm chí lên đến 70-80 triệu đồng/chiếc. Đây là sản phẩm của các hãng có tiếng từ Đức, Mỹ như GIANT, SAVA, XTC… với những công dụng chuyên biệt và chất liệu cao cấp.
“Những mẫu xe giá khoảng 3-7 triệu đồng được nhiều người tìm mua trong thời gian này để tập luyện, đi lại hàng ngày. Trong khi đó, các dòng xe từ 14 triệu đồng trở lên được những người chơi xe bán chuyên và chuyên nghiệp lựa chọn," anh Quân cho biết.
Anh Nguyễn Ngọc Hùng, chủ cửa hàng bán xe đạp ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay từ tháng 5/2020, lượng khách mua xe đạp tăng bởi đây là phương tiện xanh sạch, rèn luyện sức khỏe.
[[Infographics] Ngày Xe đạp thế giới 3/6/2021: Khuyến khích việc đạp xe]
Theo nghiên cứu của SSI Research, nhu cầu xe đạp tại Việt Nam ở mức 2,5 triệu chiếc/năm, tổng quy mô của thị trường rơi vào khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng/năm.
Nhận thấy tiềm năng của thị trường xe đạp, một số cửa hàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp, chuỗi siêu thị lớn cũng quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh này và thiết lập riêng một mục riêng và cập nhật hàng ngày. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng đã tiến hành giới thiệu sản phẩm trên nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada…
“Về lâu dài, xe đạp là một ngành kinh doanh bền vững, ổn định và có tiềm năng phát triển hơn nữa, nhất là khi nhu cầu nâng cao đời sống thể chất của người dân tăng lên,” anh Hùng nhận định./.