Động đất mở ra cơ hội hồi hương đặc biệt cho người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hàng chục ngàn người tị nạn Syria đã quyết định quay trở lại quê nhà sau khi trận động đất tàn phá nhà cửa của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Động đất mở ra cơ hội hồi hương đặc biệt cho người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Người Syria tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cơ hội hồi hương theo một chính sách đặc biệt mới ban hành. (Nguồn: Al Jazeera)

Sau 7 năm xa cách, Hussein al-Ahmed thực hiện cuộc hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ, để đoàn tụ với gia đình ở miền Bắc Syria.

Ồ ạt hồi hương

Nhưng lý do đã đưa anh trở lại không phải là những thay đổi trong tình hình ở Syria.

Thay vào đó, al-Ahmed là một trong số hàng ngàn người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã tận dụng các quy định di chuyển được nới lỏng, sau khi trận động đất kinh hoàng gây họa tại Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria một tháng trước.

Động đất mở ra cơ hội hồi hương đặc biệt cho người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2Ahmed quyết định hồi hương để đoàn tụ với người thân sau 7 năm sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Al Jazeera)

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện cho phép những người tị nạn Syria cư trú tại các tỉnh bị động đất được đến vùng Tây Bắc Syria do phe đối lập kiểm soát, và sau đó quay trở lại nước này, miễn là họ không ở quá 6 tháng.

Đối với những người Syria sống ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có rất nhiều tòa nhà bị phá hủy và nhiều nơi vẫn không an toàn, thì Syria, một quốc gia mà họ đã phải chạy khỏi do cuộc chiến kéo dài 12 năm, đột nhiên trông hấp dẫn hơn.

“Sau khi tôi và em gái ở công viên suốt 10 ngày, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở về Syria thông qua hệ thống hồi hương tự nguyện đã được chính phủ thông báo,” al-Ahmed, một người tị nạn 30 tuổi sống ở thành phố Iskenderun ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. .

Tình trạng tuyệt vọng của các tỉnh bị động đất tàn phá ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và việc không có người thân ở tỉnh khác là một trong những yếu tố thúc đẩy không ít người Syria thực hiện hành trình về miền Bắc Syria. Ở đó, họ có người thân và ít nhất có thể tìm được một nơi trú ẩn, trước khi cân nhắc việc ở lại hay trở về Thổ Nhĩ Kỳ, khi các khu vực bị động đất tàn phá được tái thiết.

Số người tị nạn Syria hồi hương qua các cửa khẩu biên giới Bab al-Hawa, Bab al-Salam và Jarablus đã lên tới gần 40.000. Thông tin này cũng đã được một quan chức Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận với hãng thông tấn Reuters tuần trước.

“Số lượng người tị nạn đến qua cửa khẩu Bab al-Hawa là gần 15.000 người,” Mazen Alloush, giám đốc quan hệ truyền thông ở phía Syria của cửa khẩu giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nói với trang tin Al Jazeera.

Alloush nói rằng chương trình trở về chỉ dành cho những người có giấy phép được bảo vệ tạm thời và không dành cho những người có visa du lịch, hoặc thậm chí là công dân mang hai quốc tịch Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ tháng 4 năm ngoái, người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cấm thực hiện các chuyến đi trở lại Syria. Họ sẽ không được quay lại Thổ Nhĩ Kỳ nếu vượt qua biên giới.

Hiện đang có hơn 3,75 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một vấn đề gây tranh cãi trong những năm gần đây, trong bối cảnh tâm lý chống người Syria đang gia tăng trong công chúng Thổ Nhĩ Kỳ.

Cơ hội thoát thân

Đối với al-Ahmed, chuyến trở về Syria là cơ hội để thoát khỏi những gì anh đã trải qua trong trận động đất đã giết chết hơn 50.000 người ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nhưng sau đó anh sẽ cần phải quay lại.

Al-Ahmed nói: “Tôi sẽ quay lại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chuyến đi kết thúc vì gia đình tôi sống trong một trại tị nạn ở đây. Tôi phải tiếp tục làm việc để có thể đảm bảo cuộc sống cho tôi và gia đình ở đây.”

Đối với những người khác, cơ hội trở về cho phép họ nói lời tạm biệt với những người thân đã mất khi họ vắng nhà..

Malak Khazna, một người tị nạn Syria sống ở thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ trong 9 năm qua, mất mẹ cách đây 2 năm. Nhưng anh không thể trở về vì sợ mắc kẹt ở Syria.

Khazna nói với Al Jazeera: “Lý do trở về của tôi là để thăm mộ mẹ. Có thể mẹ sẽ tha thứ cho tôi khi, không thể chăm sóc trong thời gian mẹ bị bệnh”. 

Khazna nói thêm: “Thời gian lưu trú của tôi là ba tháng. Tôi sẽ ở với con trai tôi và gia đình nó. Nếu tôi thấy mọi thứ ổn định, tôi sẽ ở lại và sẽ không quay về Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ để chạy trốn chiến tranh, không phải để định cư.”

Được biết các tỉnh bị động đất tàn phá tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ có số lượng người tị nạn Syria cao nhất do ở gần biên giới Syria. Những nơi này cũng có tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt thấp hơn so với các tỉnh khác.

Một số người tị nạn cư trú tại các tỉnh này, trong số đó nhiều người bị mất việc làm và đồ đạc, hiện đã quyết định hồi hương vĩnh viễn sau trận động đất.

Một trong số đó là Hassan Hasram, một người tị nạn Syria sống ở Antakya, cha của tám đứa con. Sau khi mất cháu trai và con rể trong trận động đất, ông quyết định quay trở lại Syria.

“Tôi không thể chuyển đến tỉnh khác vì giá thuê nhà tăng chóng mặt sau trận động đất ở hầu hết các tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, gia đình tôi đông con và tôi sẽ không đủ khả năng trang trải chi phí sau khi mất việc làm,” Hasram nói.

Hasram cho biết thêm rằng ông không có người thân nào ngoài em gái đang sống trong một trại tị nạn gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếc lều của em gái chắc chắn sẽ không đủ để che chở cho ông và gia đình.

Vì vậy, giữa lựa chọn ở lại căn lều mà ông đang sống và thực hiện hành trình trở lại Syria, ông đã quyết định về nhà.

Hasram nói: “Mọi thứ rất tồi tệ trong trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đó thiếu hụt nghiêm trọng viện trợ, cho dù là thực phẩm, đồ sưởi ấm hay thậm chí là nước uống. Thổ Nhĩ Kỳ giờ đã là một phần của quá khứ và tôi sẽ không thể quay lại lần nữa”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.