Động đất Nhật Bản: Chưa thể khắc phục tình trạng mất nước kéo dài

Đại diện Chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết còn khoảng 40.000 hộ gia đình trong số 8 thành phố, thị trấn, chủ yếu ở Nanao và thành phố Wajima chưa thể tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt thông thường.

Những ngôi nhà bị sập trong động đất tại Suzu, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản ngày 1/1/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Những ngôi nhà bị sập trong động đất tại Suzu, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản ngày 1/1/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tròn một tháng kể từ sau trận động đất nghiêm trọng xảy ra tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, mặc dù hệ thống điện và thông tin liên lạc gần như đã được phục hồi nhưng tình trạng mất nước vẫn chưa thể khắc phục triệt để, gây khó khăn trong việc sớm ổn định cuộc sống và sinh kế của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 2/2, đại diện Chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết hiện còn khoảng 40.000 hộ gia đình trong số 8 thành phố, thị trấn, chủ yếu ở thành phố Nanao và thành phố Wajima chưa thể tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt thông thường.

Ngay cả những ngôi nhà không bị sập hoặc hư hại bởi trận động đất cũng không có nước sinh hoạt khiến người dân không thể trở về từ các trung tâm sơ tán.

Không chỉ cuộc sống sinh hoạt và sản xuất mà việc chăm sóc y tế cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất nước kéo dài. Theo ông Kuniyuki Kawasaki, Giám đốc hành chính Bệnh viện thành phố Wajima, các dụng cụ y tế và camera nội soi thiếu nguồn nước sạch để khử trùng, trong khi khoảng 60 bệnh nhân chạy thận nhân tạo buộc phải di chuyển đến các bệnh viện khác ngoài tỉnh để được chữa trị thường xuyên.

Theo quy trình xử lý nước tại tỉnh Ishikawa, nước ban đầu được lấy từ các sông lớn, sau đó được chuyển đến các nhà máy xử lý nước. Nước đã qua xử lý thành nước sinh hoạt được chuyển đến các bể chứa khu vực rồi phân phối đến từng hộ gia đình và các cơ sở xã hội thông qua hệ thống đường ống cấp nước nhỏ hơn.

Hiện tại, 3 bể chứa nước chính ở thành phố Wajima đã bị hư hại do động đất, nhưng đã được khắc phục nhanh chóng chỉ một tuần sau khi xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hệ thống cung cấp nước đến từng hộ gia đình vẫn chưa thể vận hành bình thường do đường sá bị chia cắt dẫn đến cơ quan chức năng không thể tiếp cận, tìm ra vị trí đường ống nước bị hỏng để xử lý.

Ngay cả khi phát hiện ra vị trí đường ống bị hư hại thì cũng mất khá nhiều thời gian do phải đào toàn bộ đường ống ngầm, khắc phục và chạy thử xong mới có thể kết nối liên thông với hệ thống cấp nước của thành phố.

Theo ông Hiroshi Togishi, Giám đốc Trung tâm cấp thoát nước thành phố Wajima, tổng chiều dài các đường cấp nước trong thành phố là khoảng 550 km và ước tính 70% trong số đó đã bị hư hại do động đất.

Trong khi đó, do không có được bức tranh toàn cảnh về các điểm hư hại nên không còn cách nào khác là buộc phải kiểm tra từng đường ống. Điều này khiến cho công tác khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt mất nhiều thời gian hơn bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.