Những ngày qua, động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum khiến dư luận và người dân lo lắng.
Trước thực tế trên, Tổ công tác của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã đến thực địa, khảo sát và đánh giá tình hình tại tâm chấn Kon Plông.
Hồ, đập thủy điện an toàn
Trên địa bàn huyện Kon Plông có 3 công trình thủy điện lớn gồm: Thượng Kon Tum công suất 220 MW, Đăk Đrinh có công suất 125 MW và thủy điện Đăk Re (liên quan đến 2 tỉnh Kon Tum-Quảng Ngãi) công suất 60 MW.
Thủy điện Thượng Kon Tum dung tích hồ chứa 145,52 triệu mét khối. Đây là công trình cấp I, có tính toán thiết kế động đất cấp 7; Thủy điện Đăk Rinh dung tích hồ chứa hơn 248 triệu mét khối, đập hồ chứa Đăk Đrinh, công trình cấp I, có tính toán thiết kế động đất cấp 8.
Ngoài ra, huyện Kon Plông còn 7 công trình thủy điện có đập, hồ chứa nhỏ, vừa, hồ chứa điều tiết ngày đêm đang vận hành phát điện trên địa bàn.
Ngay sau khi động đất xảy ra, sau thời điểm động đất có độ lớn 5,0, trưa 28/7, mực nước ở các hồ đập thủy điện còn thấp hơn mực nước dâng bình thường.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, mực nước hồ Thượng Kon Tum hơn 1.142m, ứng với dung tích hồ hơn 57,6 triệu mét khối (mực nước dâng bình thường: 1160m, ứng với dung tích hơn 145 triệu mét khối); mực nước hồ thủy điện Đăk Đrinh hơn 402m, ứng với dung tích hồ 115 triệu mét khối, thấp hơn mức bình thường…
Qua kiểm tra thực tế tại công trình Thủy điện Thượng Kon Tum, công trình thủy điện lớn nhất tại Kon Plông sau các trận động đất ngày 28/7, Tổ công tác của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã báo cáo và khẳng định các hạng mục cụm công trình đầu mối như hồ chứa không có tình trạng sạt lở khu vực lòng hồ và xung quanh sau động đất; cửa nhận nước các cơ mái bình thường; các kết cấu bê tông ổn định, không có vết nứt.
Cùng đó, đập dâng chính không có vết nứt, lún, thấm bất thường, đập tràn xả lũ kết cấu bằng bê tông bình thường, không có hiện tượng lún, nứt. Các cửa van xả lũ, thiết bị thủy lực vận hành bình thường.
Đối với các vết nứt xuất hiện trên tường gạch, bêtông các công trình xây dựng trên địa bàn huyện, Tổ công tác kết luận các vết nứt nhỏ, không ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Một số vết nứt được mở rộng thêm một ít trên các vết nứt cũ do ảnh hưởng các trận động đất mạnh năm 2022.
Các vết nứt xuất hiện chủ yếu xuất hiện trên tường gạch, bêtông các công trình dân sinh, công cộng; ít xuất hiện ở nhà dân do đa số nhà dân làm bằng vật liệu gỗ, một số công trình nhà dân được xây dựng quy mô nhỏ và kiên cố.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập phòng ngừa, ứng phó với động đất được chính quyền địa phương và các đơn vị phòng chống thiên tại các cấp trong huyện quan tâm đặc biệt sau thời điểm xảy ra các trận động đất có cường độ khá lớn năm 2022.
Cùng với đó, ý thức cũng như kỹ năng của người dân địa phương trong việc tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương về phòng ngừa, ứng phó động đất khá cao…
Chủ động, vững tin hơn
Ba ngày sau trận động đất lớn 5 độ, cuộc sống tại các xã tâm chấn đã bình thường. Người dân đã ra ruộng nương lao động, sản xuất.
Chị Y Phiếu ở làng Rô Xia xã Đăk Tăng cho biết thực tế động đất xảy ra nhiều, khi có rung chấn mạnh, người dân có chút lo lắng nhưng giờ mọi người cũng thấy bình thường. Bà con vẫn ra đồng gặt lúa.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập phòng ngừa, ứng phó với động đất nên người dân đã chủ động, vững tin hơn khi ứng phó.
Theo bà Y Sao, Bí thư Đảng ủy xã Măng Bút, qua nhiều lần tập huấn, ý thức cũng như kỹ năng của người dân địa phương trong việc tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương về phòng ngừa, ứng phó động đất đã được nâng cao.
Lần động đất mạnh 5 độ vừa qua là mạnh nhất từ trước đến nay nhưng không có thiệt hại về người và tài sản nên dân cũng bớt lo lắng.
Hai ngày nay, dân vẫn ra đồng sản xuất, trồng trọt và tập trung cắt lúa. Cùng đó, người dân lên rẫy trồng càphê cho gia đình và cà phê liên kết với doanh nghiệp. Cuộc sống người dân ở Măng Bút đã bình thường trở lại.
Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông, cho biết sau khi xảy ra rung chấn, Ủy ban Nhân dân huyện đã có văn bản chỉ đạo cho các xã, đồng thời chỉ đạo cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, nạn phòng thủ dân sự đi xuống thôn, làng, nắm bắt thực tế, động viên, tuyên truyền, phổ biến và thông tin thêm cho nhân dân để yên tâm.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu tổ chức diễn tập, tập huấn, hướng dẫn trực tiếp tại thôn, làng để người dân xử lý, ứng phó tình huống có động đất.
Đối với công tác khắc phục, trong tháng Tám, huyện sẽ tiến hành triển khai để giúp dân ổn định cuộc sống./.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu: Sẽ tiếp tục xuất hiện động đất tại Kon Tum
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tại Kon Tum đã xảy ra hơn 170 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5,0.