Truyền thông Đức ngày 15/6 đưa tin, trong tuần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các đồng nghiệp lần đầu tiên sẽ có cuộc đàm phán về ngân sách tương lai của Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo đó, EU yêu cầu Đức đóng góp thêm 13 tỷ euro mỗi năm vào ngân sách của khối.
Dự kiến tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 19/6 tới, lãnh đạo các nước EU sẽ không chỉ bàn về gói kích thích kinh tế 750 tỷ euro đã được EU lên kế hoạch trước đó nhằm vượt qua cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng do dịch COVID-19 gây ra, đặc biệt là hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề, mà còn thảo luận về ngân sách dài hạn của EU - được gọi là Khung tài chính đa phương (MFF).
Trước đó, hồi tháng 4/2020, Chủ tịch Ủy Ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết MFF sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021-2027.
Truyền thông Đức cho hay EC yêu cầu Đức và các quốc gia khác đóng góp nhiều hơn so với trước đây.
[Đức, Pháp đề xuất quỹ tái thiết Liên minh châu Âu trị giá 500 tỷ euro]
Theo đề xuất hiện tại của Brussels, các nước thành viên EU sẽ phải đóng góp khoảng 1,075% sản lượng kinh tế của họ trong 7 năm tới. Với mức đóng góp này, dự kiến ngân sách giai đoạn 2021-2027 của EU sẽ vào khoảng 1,1 nghìn tỷ euro.
Theo ước tính của Bộ Tài chính Đức, nước này sẽ phải chi trung bình thêm 13 tỷ euro mỗi năm vào ngân sách EU kể từ năm 2021 trở đi nếu đề xuất của EU không thay đổi so với dự kiến.
Trong thời gian qua, Đức đã đóng góp 31 tỷ euro/năm vào ngân sách của EU và với mức tăng 13 tỷ euro mỗi năm, nước này sẽ phải đóng góp 44 tỷ euro/năm (tăng khoảng 42%) cho ngân sách của khối trong tương lai.
Với việc Anh rời khỏi EU (Brexit), Chủ tịch EC von der Leyen muốn bù đắp một phần tổn thất từ đóng góp của Anh bằng chính sách tiết kiệm nhưng đồng thời cũng cần thêm tiền để thực hiện các dự án mới đầy tham vọng, như bảo vệ khí hậu cũng như giải quyết vấn đề di cư./.