Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, hiện đơn vị này đã hoàn thiện phương án (đề án) bảo vệ đàn voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan (thuộc huyện Xuân Lộc, Đồng Nai). Tới đây, ngành nông nhiệp sẽ trình phương án bảo vệ lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai để xem xét, phê duyệt.
Mục tiêu của đề án là bảo vệ sự toàn vẹn của voọc chà vá, tạo môi trường thuận lợi cho voọc cư trú, kiếm ăn. Từ đó, phát triển đàn voọc cả về số lượng và chất lượng.
Ngành chức năng sẽ hạn chế sự hiện diện của con người trong vùng voọc thường xuyên sinh sống, di chuyển (khoảng 24ha); tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài voọc nói riêng.
Trước đó, từ nguồn tin quần chúng cung cấp, tháng 6/2017, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh (Đồng Nai) đã khảo sát tại núi Chứa Chan. Ngành chức năng đã ghi nhận tại độ cao 300m của núi Chứa Chan có khoảng 20 cá thể voọc chà vá chân đen sinh sống, chia thành 2 đàn và sống với nhau như một quần thể.
[Đồng Nai phát hiện 3 đàn voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan]
Ngoài ra, tại độ cao khoảng 600m trên núi Chứa Chan còn có 1 đàn voọc khác cũng đang sinh sống.
Điều đặc biệt là cả ba đàn voọc này đều có những cá thể đang mang thai, một số con còn rất nhỏ.
Đây là lần đầu tiên, Đồng Nai phát hiện số lượng lớn voọc chà vá chân đen - một trong những loài linh trưởng thuộc nhóm nguy cấp, cần được bảo vệ.
Ông Tôn Hà Quốc Dũng, Hạt phó, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh cho biết, ngay sau khi phát hiện trên núi Chứa Chan có voọc, Ủy ban Nhân dân huyện Xuân Lộc đã chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp săn bắt động vật hoang dã; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã trong các tầng lớp nhân dân.
Những địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc lĩnh vực kiểm soát, bảo tồn động vật hoang dã thì sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đã phối hợp với công an, quân đội tăng cường công tác tuần tra, chốt trực các khu vực quan trọng để bảo vệ loài động vật trên.
Núi Chứa Chan có độ cao gần 840m so với mực nước biển, là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ (sau núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh). Núi này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia./.