Ngày 5/5, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết đã phối hợp cùng các đơn vị khảo sát, tính toán nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ 2 dự án trọng điểm cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh), qua đó xác định, khi triển khai 2 dự án, tỉnh thiếu gần 7 triệu m3 đất đắp và cát.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, tổng nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ 2 dự án nêu trên khoảng 7,7 triệu m3; trong đó đất đắp hơn 5,8 triệu m3, cát là 1,9 triệu m3.
Đối với cát, dù khan hiếm nhưng các đơn vị liên quan có thể tìm được nguồn cung. Riêng đất đắp nền, hiện nguồn cung rất ít và đến nay Đồng Nai vẫn chưa có mỏ đất đã hoàn thành hồ sơ thủ tục khai thác để phục vụ 2 dự án. Trường hợp tận dụng đất tầng phủ tại các mỏ đá thì chỉ có thể khai thác được gần 1 triệu m3 đất.
Trong 2 dự án nêu trên, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai cần lượng đất đắp rất lớn với khoảng 5,3 triệu m3.
Trong khi đó, dự kiến tháng 6 tới tuyến đường sẽ khởi công, nếu không có giải pháp kịp thời, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có nguy cơ bị đình trệ, chậm tiến độ vì thiếu đất đắp nền, điều đã xảy ra tại cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
[Thiếu vật liệu đất đắp, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây lo trễ hẹn về đích]
Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn Đồng Nai hiện có mỏ đá Phước Bình (mỏ này có hơn 9 triệu m3 đất san lấp) đã được tỉnh cấp phép khai thác. Song hiện nay mỏ Phước Bình chưa thể khai thác vì vướng thủ tục lập hồ sơ thuê đất và cấp quyết định chủ trương đầu tư cho mỏ.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định, đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Do vậy, việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản.
Tuy nhiên, quá trình cấp giấy phép khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gặp hàng loạt vướng mắc do bất cập, chồng chéo giữa Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và Luật Đầu tư.
Để giải quyết đất đắp phục vụ dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị liên rà soát những vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến với Bộ Tài nguyên-Môi trường nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình lập thủ tục khai thác vật liệu san lấp./.