Dưới sức ép gia tăng của cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã có động thái hạ giá đồng nội tệ, khiến tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng đôla Mỹ (USD) đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua - ở mức 7 nhân dân tệ/USD. Vậy việc này có tác động như nào tới các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày Việt Nam?
Ông Phí Việt Trịnh, Tổng Giám đốc, Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết May Hồ Gươm chuyên làm hàng xuất khẩu nên việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ cũng không ảnh hưởng nhiều đến mặt hàng xuất khẩu của công ty bởi hầu hết sản phẩm đều xuất khẩu các nước châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... Đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn bằng USD.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết nhập khẩu giữa May 10 và các doanh nghiệp Trung Quốc không nhiều và đồng tiền thanh toán chủ yếu là USD nên doanh nghiệp ảnh hưởng không nhiều.
Nếu đồng nhân dân tệ giảm nhiều, trong khi đồng USD tăng thì lại có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, bởi khi quy đổi từ đồng USD sang nhân dân tệ, doanh nghiệp sẽ được lợi ích cao hơn, ông Việt nêu rõ.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam trung bình mỗi tháng giảm khoảng 2,5%.
Đơn giá xuất khẩu sợi Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã giảm từ mức trung bình 3,05 USD/kg xuống còn 2,99 USD/kg, giảm khoảng 1,97%. Việc đồng nhân dân tệ bất ngờ giảm mạnh khiến tỷ giá giá đồng tiền này so với USD rơi mức thấp nhất trong gần 10 năm qua sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành sợi Việt Nam.
Mặt hàng sợi của Việt Nam phải nhập khẩu bông từ Mỹ. Nếu trong thời gian tới, đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá thì mặt hàng sợi của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục gặp khó khăn.
Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm sợi Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, trung bình hàng năm chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam đi thế giới.
[Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sụt giá phiên thứ ba liên tiếp]
Đối với Trung Quốc, Việt Nam cũng là đối tác cung cấp sợi chính, với thị phần tăng trưởng liên tục. Năm 2014, Việt Nam chỉ đứng thứ 3 nếu xét theo thị phần nhập khẩu sợi của Trung Quốc (sau Ấn Độ và Pakistan).
Đến năm 2017 và 2018, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ nhất, chiếm tới 30% thị phần nhập khẩu sợi của Trung Quốc, hơn cả Ấn Độ và Pakistan cộng lại.
Đại diện Công ty Sợi Đam San cho biết trước đây doanh nghiệp bán sang Trung Quốc 1.400 tấn sợi nhưng hiện tại, số lượng đang giảm sút mạnh, thậm chí trong tháng 9 tới còn chưa có đơn hàng nào được ký.
Nguyên nhân là do giá bán giảm mạnh không bù được chi phí sản xuất. Tính thêm yếu tố tỷ giá đồng nhân dân tệ đang hạ giá, ngành sợi xuất khẩu từ Việt Nam càng khó khăn. Tới đây, nếu phía Trung Quốc có động thái căng thẳng, chắc chắn mặt hàng của công ty sẽ khó đảm bảo duy trì.
Theo một số doanh nghiệp sợi, hiện nay phía đối tác Trung Quốc đang ép giá doanh nghiệp sợi từ Việt Nam để giảm bớt biến động tỷ giá giữa đồng USD với đồng nhân dân tệ.
Theo Hiệp hội Sơi Việt Nam, ước tính xuất khẩu của ngành sợi Việt Nam trong năm nay sẽ giảm từ 10-15% so với năm ngoái. Với giá xuất bán từ 3,5 USD/kg hiện xuống còn 2,8 USD/kg, doanh nghiệp sẽ thiệt hại không dưới 500 triệu USD.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân có sự suy giảm xuất khẩu của ngành sợi Việt Nam vào Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua do các nhà nhập khẩu sợi của Trung Quốc, đa phần là các công ty kinh doanh thương mại, lập tức cắt giảm số lượng sợi nhập khẩu để nghe ngóng tình hình thị trường. Họ chỉ nhập khẩu số lượng tối thiểu, đủ để bán cho các nhà sản xuất, không mua đầu cơ tích lũy như trước đây.
Có thể Trung Quốc đang nhân cơ hội chiến tranh thương mại Trung-Mỹ để gây sức ép lên các nước xuất khẩu sợi nhằm giảm giá xuống mức thấp. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu sợi của Việt Nam sang Trung Quốc không chỉ bị giảm giá bán mà còn chịu thêm thiệt hại vì đồng nhân dân tệ mất giá do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Hiện tại, các doanh nghiệp sợi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do không có đơn hàng mới từ thị trường Trung Quốc hoặc khách trả giá rất thấp.
Các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) tuy vẫn đặt hàng nhưng số lượng rất nhỏ.
Đối với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết hiện nay các doanh nghiệp ngành này phải nhập nguyên phụ liệu nhiều từ Trung Quốc. Các giao dịch này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có quy mô lớn và khối FDI, tuy nhiên các hợp đồng thực hiện thanh toán đều bằng đồng USD. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp ngành da giày được hưởng lợi khi đồng nhân dân tệ mất giá so với USD.
Về lâu dài, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ điều chỉnh lại chi phí sản xuất, tính toán giá xuất bán mới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ ít được hưởng lợi hơn do đã ký hợp đồng thanh toán theo đồng nhân dân tệ cho các hợp đồng có quy mô nhỏ.
Lefaso hiện đang theo sát các diễn biến về hoạt động thương mại xuất nhập khẩu của ngành để có thông tin kịp thời cho các thành viên, nhất là trong mùa làm hàng căng thẳng các quý cận cuối năm./.