Ngày 30/9, đồng ruble của Nga đã tăng lên mức cao nhất trong gần 8 năm qua so với đồng euro trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Moskva có thể hạn chế giao dịch ngoại tệ.
Trong phiên giao dịch chiều cùng ngày (giờ Việt Nam), giá trị đồng ruble đã tăng 6,5%, giao dịch ở mức 51,87 ruble đổi 1 euro, so với trước đó là 51,31 ruble đổi 1 euro. Đây là tỷ giá cao nhất kể từ tháng 10/2014. Đồng ruble tăng 4,8% so với USD và giao dịch ở mức 54,44 ruble đổi 1 USD. Tỷ giá cao nhất đạt được trong tháng Bảy vừa qua là 54,16 ruble đổi 1 USD.
[Nga lên kế hoạch ra mắt đồng ruble kỹ thuật số vào đầu năm 2023]
Các chính sách kiểm soát vốn, giảm mạnh nhập khẩu kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt và các công ty rời bỏ thị trường Nga đã hỗ trợ cho đồng ruble.
Các nguy cơ địa chính trị vẫn tiếp tục leo thang với việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga.
Các nhà phân tích cho rằng các đe dọa trừng phạt này khiến một số nhà đầu tư giảm sở hữu đồng USD và có thể làm tê liệt giao dịch tại Nga.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết thâm hụt ngân sách liên bang dự kiến sẽ vào khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương khoảng 3.000 tỷ ruble. Mức thâm hụt ngân sách dự kiến giảm dần xuống còn 0,7% GDP vào năm 2025.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-24, Bộ trưởng Siluanov cho biết trong ngân sách liên bang giai đoạn 2023-2025, chi ngân sách liên bang sẽ lên tới 29.000 tỷ ruble vào năm 2023, tiếp đó tăng lên mức 29.400 tỷ ruble và 29.200 tỷ ruble lần lượt trong 2 năm tiếp theo.
Thu ngân sách sẽ lên tới 26.100 tỷ ruble vào năm 2023, lần lượt là 27.200 tỷ ruble và 27.900 tỷ ruble cho 2 năm sau tiếp theo./.