Đồng Tháp: Nuôi cá tra nguyên liệu lãi hơn 1,7 tỷ đồng mỗi hecta

Đến cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp thả nuôi cá tra nguyên liệu với diện tích hơn 2.300ha, thu hoạch được 441.000 tấn, giá bán 29.000-30.000 đồng/kg; như vậy người nuôi có lãi 1,7 tỷ đồng/ha.
Nuôi cá tra ở Đồng Tháp. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Đến cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp thả nuôi cá tra nguyên liệu với diện tích hơn 2.300ha, thu hoạch được 441.000 tấn, với giá bán 29.000-30.000 đồng/kg, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 26.940 đồng/kg.

Với mức giá này người nuôi có lãi cao, lợi nhuận hơn 1,7 tỷ đồng/ha.

Nuôi cá tra nguyên liệu ở Đồng Tháp, từ lúc thả nuôi mỗi con có kích cỡ từ 10-12cm, nuôi trong 10 tháng cho thu hoạch, bình quân cá tra nguyên liệu xuất bán có trọng lượng từ 800-900 gam/con.

Hiện ngành hàng cá tra là một trong 6 ngành hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Nuôi cá tra theo hướng bền vững, hiện đại, phát triển vùng nuôi cá tra sạch, bền vững gắn với quy trình, quy chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Hiện nuôi cá tra thương phẩm ở Đồng Tháp đa số là nuôi trong ao cạnh sông Tiền, sông Hậu, các kênh rạch lớn tập trung ở huyện như Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự. Do giá cá tra nguyên liệu tăng nên những hộ nuôi, doanh nghiệp ở Đồng Tháp vẫn giữ vững vùng nuôi cá tra.

Đến nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đã mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra sang 134 quốc gia, do đó thị trường xuất khẩu của cá tra hiện nay rất đa dạng, từ các thị trường yêu cầu thấp như châu Á-Trung Đông, Trung Quốc đến những thị trường cao cấp hơn như châu Âu và Mỹ.

[Xuất khẩu cá tra ứng phó với khó khăn do lạm phát]

Ngoài ra, thị trường trong nước cũng được quan tâm và đẩy mạnh. Vừa qua Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã giới thiệu gần 20 sản phẩm chế biến từ cá tra và basa hướng đến phục vụ thị trường trong nước như basa tẩm bột, chả lụa, sốt tartar, chabokki sốt cay, basa xẻ bướm tẩm gia vị... Ðây là các sản phẩm rất tiện dụng và giàu dinh dưỡng với chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Tỉnh Đồng Tháp hoàn thành cơ sở dữ liệu về lĩnh vực thủy sản; trong đó có dữ liệu về cá tra nhằm minh bạch hóa thông tin sản xuất và truy xuất nguồn gốc (mã số nhận diện vùng nuôi, quản lý môi trường, dịch bệnh, điều kiện nuôi, điều kiện chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa…) góp phần hình thành hệ sinh thái số.

Các vùng nuôi cá tra được tổ chức và quản lý chặt chẽ theo quy trình quản lý chất lượng; trong đó đã cấp mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm cho gần 100% diện tích nuôi, có khoảng 60% diện tích thả nuôi áp dụng các tiêu chuẩn GAP quốc tế.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, quy hoạch phát triển các vùng sản xuất cá tra theo mô hình lớn, tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Hình thành nhiều vùng sản xuất cá tra chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh.

Hiện toàn tỉnh có hơn 60% nuôi cá tra theo quy trình khép kín từ ương giống, nuôi, chế biến và xuất khẩu là những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định.

Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Đồng Tháp phát triển diện tích nuôi cá tra là 2.450ha với sản lượng 555.000 tấn; 100% cơ sở nuôi cá tra trong quy hoạch được cấp mã số nhận diện theo quy định; trên 60% vùng nuôi có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh đảm bảo có hệ thống xử lý nước thải và bùn thải theo quy định; trên 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản như VietGAP, ASC, BAP, GlobalGAP…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục