Đồng Tháp phát triển diện tích nuôi cá tra lên 2.450ha

Để đạt mục tiêu tăng diện tích nuôi cá tra, tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ chọn tạo giống cá tra chất lượng cao, khắc phục tình trạng giống cá tra kém chất lượng.
Đồng Tháp phát triển diện tích nuôi cá tra lên 2.450ha ảnh 1Thu hoạch cá tra tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ phát triển diện tích nuôi cá tra là 2.450 ha, với sản lượng 555.000 tấn; 100% cơ sở nuôi cá tra trong quy hoạch được cấp mã số nhận diện theo quy định; trên 60% vùng nuôi có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh đảm bảo có hệ thống xử lý nước thải và bùn thải theo quy định; trên 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản như VietGAP, ASC, BAP, GlobalGAP,…

Hiện nay, ngành hàng cá tra là một trong 6 ngành hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh quy hoạch phát triển nuôi cá tra theo hướng bền vững, hiện đại, phát triển vùng nuôi cá tra sạch, bền vững gắn với quy trình, quy chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Nuôi cá tra thương phẩm theo các ao cạnh sông Tiền, sông Hậu, các kênh rạch lớn tập trung ở huyện có tiềm năng như Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. 

Để đạt mục tiêu tăng diện tích nuôi cá tra, tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ chọn tạo giống cá tra chất lượng cao, khắc phục tình trạng giống cá tra kém chất lượng; tăng cường quản lý giám sát quy trình kỹ thuật sản xuất giống, hỗ trợ cho các trại sản xuất giống cá tra bố mẹ đã qua chọn lọc về di truyền tăng tưởng nhanh, thích ứng tốt với dịch bệnh và môi trường.

Tỉnh phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột được cải thiện di truyền.

[Ngành cá tra lo thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu]

Tỉnh Đồng Tháp hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nâng cấp, đổi mới dây chuyền chế biến cá tra theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các phần còn lại của cá tra sau phi lê như: bột xương làm thực phẩm, colagen dược phẩm, dịch thủy phân protein cá tra, phân bón sinh học từ phụ phẩm,... nâng cao giá trị ngành hàng cá tra.  

Đồng Tháp tăng cường đầu tư nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp và người sản xuất có thông tin về hàng rào kỹ thuật, kênh phân phối, thị hiếu của người tiêu dùng.

Đồng Tháp phát triển diện tích nuôi cá tra lên 2.450ha ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá (Thanh Bình, Đồng Tháp). (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Cùng đó, tỉnh thực hiện chương trình hợp tác, đưa sản phẩm thủy sản Đồng Tháp vào thị trường Hà Nội.

Trung tâm giới thiệu đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội phối hợp với Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội để xây dựng hệ thống phân phối các sản phẩm cá tra tỉnh Đồng Tháp

Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đạt mục tiêu chung của ngành cá tra là chiếm từ 10-15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng. Ngành hàng cá tra của tỉnh sẽ có thêm một kênh tiêu thụ mới, đầy tiềm năng.

Hoàn thành cơ sở dữ liệu về lĩnh vực thủy sản của tỉnh trong đó có các dữ liệu về cá tra nhằm minh bạch hóa thông tin sản xuất và truy xuất nguồn gốc (mã số nhận diện vùng nuôi, quản lý môi trường, dịch bệnh, điều kiện nuôi, điều kiện chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa…) góp phần hình thành hệ sinh thái số.

Khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Diện tích nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp đến trung tuần tháng 8/2022 là 1.952ha, đạt hơn 105% so với kế hoạch, diện tích thu hoạch hơn 679ha, sản lượng thu hoạch 320.009 tấn, đạt 92,34% so với kế hoạch.

Giá cá tra nguyên liệu 27.000-28.000 đồng/kg, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu hơn 25.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi hơn 1 tỷ đồng/ha.

Các thị trường xuất khẩu cá tra chủ lực của Đồng Tháp hiện nay là EU, Mỹ, ASEAN trong các tháng đầu năm đều tăng nhập khẩu. Hiện nay, thị trường ở Trung Quốc nhập khẩu khá nhiều cá tra của Việt Nam, trong đó có Đồng Tháp.

Dù giá cá tra nguyên liệu tăng, nhưng những hộ nuôi, doanh nghiệp ở Đồng Tháp vẫn giữ vững vùng nuôi cá tra.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh quy hoạch phát triển các vùng sản xuất cá tra theo mô hình lớn, tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Hình thành các vùng sản xuất cá tra chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh.

Hiện toàn tỉnh có hơn 60% nuôi cá tra theo quy trình khép kín từ ương giống, nuôi, chế biến và xuất khẩu là những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.