Trong tâm trí, ký ức của mọi người, Vĩnh Phúc xưa kia là một tỉnh nghèo khó nhưng nay đã thay da đổi thịt.
Từ khi tỉnh có chủ trương đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào phát triển, công nghiệp của quê hương khoán hộ đã bứt phá một cách ngoạn mục.
Sau 25 năm tái lập (1/1/1997-1/1/2022), tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; nhiều chỉ tiêu, mục tiêu của tỉnh cao hơn mức bình quân chung và nằm trong tốp đầu của cả nước, tạo tiền đề để tỉnh đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Hình ảnh về mảnh đất, con người Vĩnh Phúc ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, ấn tượng trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Điểm sáng thu hút đầu tư
Tháng 11/1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động, với diện tích 1.370,73 km2.
Hiện nay, Vĩnh Phúc có 2 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và 7 huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo với 136 xã, phường, thị trấn.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ Đại hội (từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nhiệm kỳ Đại hội XVII).
Mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập tỉnh đến nay là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển, trong đó ngay từ Đại hội XII (1997) đã xác định: Tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Giai đoạn 2006-2010, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định “tập trung phát triển công nghiệp và coi công nghiệp làm nền tảng của nền kinh tế nhằm tạo ra sự tăng trưởng cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng thu cho ngân sách nhà nước và kích thích các ngành dịch vụ, nông nghiệp phát triển, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn.”
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 Vĩnh Phúc là thành phố phát riển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức.
Tùy từng giai đoạn, thời điểm cụ thể, Đảng bộ tỉnh đưa ra những mục tiêu, giải pháp, chiến lược khác nhau, nhưng đều có điểm chung là linh hoạt, thích ứng tốt và phù hợp với điều kiện thực tế đang diễn ra tại địa phương, có tính dự báo cao về xu thế phát triển của xã hội trong giai đoạn kế tiếp.
Do vậy, kết quả thu được rất quan trọng, làm thay đổi có tính đột phá đến nền kinh tế cũng như đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Có thể nói, khi tái lập Vĩnh Phúc là một tỉnh rất nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, đa số người dân sinh sống dựa vào kinh tế nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã có thay đổi khá toàn diện, đặc biệt thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc trở thành “điểm sáng” của cả nước.
Ngay từ khi tái lập, tỉnh có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) thì đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh.
Từ chỗ không có khu công nghiệp khi mới tái lập, đến nay tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư (có 08 khu công nghiệp đi vào hoạt động).
Các khu công nghiệp đang hoạt động với 328 doanh nghiệp đã có mặt sản xuất-kinh doanh và thu hút gần 110.000 lao động, mức thu nhập của lao động phổ thông tại các khu công nghiệp từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Giờ đây, dạo bước trên các con đường vào đô thị, khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, mọi người đều được tận mắt chứng kiến các trụ sở, nhà ở người dân khang trang, sạch đẹp; các khu công nghiệp đua nhau mọc lên nằm xen kẽ các trục đường nhựa, đường bêtông sạch bóng.
Các con đường lớn nhỏ, khuôn viên nhà xưởng trong khu công nghiệp thuộc địa bàn tỉnh luôn tấp tập công nhân lao động đến nhà xưởng làm việc. Hàng đoàn xe tải lớn, nhỏ nối đuôi nhau vào Vĩnh Phúc lấy hàng hóa đem đi tiêu thụ, giúp cho tỉnh mang lại nguồn thu ngân sách cao, lao động trẻ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập ổn định đời sống.... Tất cả đem lại cho Vĩnh Phúc sức sống mới - một bước phát triển đầy ấn tượng.
Phát triển ấn tượng
Nhờ các chủ trương đúng đắn, chính sách thông thoáng và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã có hàng loạt các doanh nghiệp lớn và uy tín đến tỉnh đầu tư, như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio...
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Phúc giai đoạn 1997-2021 tăng 13,42%/năm; chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động).
Quy mô kinh tế ngày càng lớn, đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của tỉnh trong vùng và cả nước.
Thu ngân sách nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc luôn đạt cao, vượt mục tiêu đề ra, với nhiều dấu mốc quan trọng. Năm 1997 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng; đến năm 2002 tỉnh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
Từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương. Năm 2009, tỉnh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng, năm 2014 vượt mốc 20.000 tỷ đồng và đến năm 2019 đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng (thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997.
Nhờ sự phát triển mà diện mạo nông thôn ở Vĩnh Phúc cũng đổi thay toàn diện, chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đạt kết quả quan trọng. Kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã (105 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 36 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 5/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Huy động và tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân về chủ trương xây dựng, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu dân cư; đã vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ tiền, ngày công trị giá gần 700 tỷ đồng, xây dựng 734,02 km cống rãnh thoát nước; chất lượng môi trường sống tại nhiều vùng nông thôn, khu dân cư trong toàn tỉnh được nâng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa, đoàn kết trong toàn tỉnh.
Vĩnh Phúc cũng xây dựng nhiều dự án lớn, trọng điểm tạo điểm nhấn quan trọng, như Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên, Nhà hát tỉnh, Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà điều trị nội trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi Vĩnh Phúc, Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Phú Hậu, cầu Vĩnh Phú, cầu Đầm Vạc, đường song song với đường sắt Hà Nội-Lào Cai, Khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên, các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải...
Tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế
Một trong những vấn đề mà gần đây được Vĩnh Phúc quan tâm là tiếp tục khai thác những tiềm năng, lợi thế để phát triển. Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng ổn định, bền vững; không ngừng nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang hình thành các trung tâm công nghiệp và đón đầu dòng vốn đầu tư ngước ngoài (FDI). Dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ có 25 khu công nghiệp với tổng quỹ đất là khoảng 7.000ha.
Bên cạnh đó, trong Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 phải hình thành 32 cụm công nghiệp và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp còn dở dang, thu hút đầu tư lấp đầy 22 cụm công nghiệp đã được hình thành và thành lập...; thực hiện khai Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đúng cam kết.
Đi đôi với phát triển kinh tế, chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, tỉnh đang đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội; từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập.
Ngoài các sản phẩm công nghiệp chủ lực đã có, tỉnh đang thu hút một số ngành công nghiệp điện tử, sản phẩm công nghệ cao, khai thác hiệu quả ngành "công nghiệp không khói" trước mắt tập trung vào khu nghỉ mát thị trấn Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên, Hồ Đại Lải./.