Theo trang mạng project-syndicate.org, cho đến vài năm trước, có vẻ như vấn đề vũ khí hạt nhân đã được quản lý thành công.
Các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga đã được cắt giảm đáng kể từ thời Chiến tranh Lạnh, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí đã được đặt đúng chỗ để hạn chế các hệ thống tầm trung và tầm xa. Nhưng tất cả điều đó giờ đây có thể bị phá bỏ.
Những tiến bộ trong thế hệ qua không chỉ giới hạn ở Mỹ và Nga. Libya được thuyết phục từ bỏ tham vọng hạt nhân, Israel cản trợ sự phát triển hạt nhân của Iraq và Syria, và Nam Phi quyết định từ bỏ kho hạt nhân nhỏ của mình.
Iran đã ký Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), vốn kiềm chế khả năng của nước này có những điều kiện cần thiết để phát triển vũ khí hạt nhân. Gần dây nhất, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân còn khiêm tốn và tương đối nguyên thủy của họ, dọn đường cho các cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên.
Và, tất nhiên, không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong 3/4 thế kỷ qua, kể từ khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản để đẩy nhanh kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
[Khủng hoảng hạt nhân Iran: Tehran sẵn sàng 'chơi' tới cùng?]
Tuy nhiên, mùa Hè vừa qua, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 sau khi họ kết luận rằng Nga đã vi phạm các điều khoản của INF. Hiệp ước này giới hạn vũ khí hạt nhân tầm xa của Mỹ và Nga sẽ hết hạn vào năm 2021 trừ khi nó được gia hạn. Cả hai nước đều có những nguồn lực đáng kể để hiện đại hóa kho vũ khí hiện nay của họ.
Hơn nữa, khi rút khỏi JCPOA, Mỹ đã làm tăng nguy cơ rủi ro từ Iran. Hiệp định này, được ký kết năm 2015, là không hoàn hảo. Đặc biệt, nhiều hạn chế quan trọng nhất của nó sẽ chỉ kéo dài từ 10-15 năm và nó không thể ngăn chặn sự phát triển tên lửa đạn đạo của Iran.
Nhưng hiệp định này đã đặt ra mức trần cho hoạt động hạt nhân của Iran và cho phép tiến hành các cuộc thanh sát quốc tế. Theo những thông tin thu thập được, Iran đã tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận.
Tuy nhiên, giờ đây Iran đã bắt đầu một quá trình chậm nhưng chắc để thoát khỏi những giới hạn của thỏa thuận này. Có thể, họ làm điều này để thuyết phục Mỹ và châu Âu nới lỏng các trừng phạt kinh tế.
Iran cũng có thể đang tính toán rằng các bước đi này có thể làm giảm đáng kể thời gian cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân mà không bị tấn công. Nhưng ít nhất các hành động của Iran có thể sẽ khiến Mỹ, hoặc có thể là Israel, thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu nhằm phá hủy một phần quan trọng của chương trình hạt nhân Iran.
Một cuộc tấn công như vậy có thể khiến một số cường quốc khác trong khu vực, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập phát triển hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng họ. Thổ Nhĩ Kỳ, ngày càng rời xa các đồng minh, đã gợi ý rằng họ có thể lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân bất luận Iran làm gì.
Triều Tiên vượt xa Iran
Nước này đã có hàng tá tên lửa và vũ khí hạt nhân; họ đã thử một số tên lửa có thể bắt tới Mỹ và đang phát triển những vũ khí hạt nhân phóng từ tàu ngầm. Có quan điểm cho rằng Triều Tiên sẽ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và “phi hạt nhân hóa,” điều này là không thực tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un, tin rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể đảm bảo sự tồn tại của chế độ, một niềm tin được củng cố bởi kinh nghiệm của Ukraine, nước đã chấp nhận những đảm bảo an ninh để đối lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ được thừa hưởng từ Liên Xô.
Trong vài năm tới, Triều Tiên sẽ sở hữu một kho vũ khí đáng kể và có thể gây ra một mối đe dọa lớn với Mỹ. Ngoài ra, các nước láng giềng của Triều Tiên, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, sẽ xác định rằng họ cũng cần phải có vũ khí hạt nhân để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên trong bối cảnh niềm tin của họ dựa vào khả năng bảo vệ của Mỹ suy giảm.
Mối nguy hiểm ở đây là một cuộc chạy đua sở hữu vũ khí hạt nhân có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh phòng ngừa. Ngay cả khi tránh được một cuộc chiến như vậy, sự hiện diện của nhiều kho vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng sự cám dỗ của một hay nhiều nước tiến hành tấn công phủ đầu trong một cuộc khủng hoảng.
“Sử dụng chúng hoặc mất chúng” có khả năng trở thành một công thức cho sự bất ổn và xung đột khi năng lực không đủ mạnh để tiến hành một cuộc tấn công.
Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia có lịch sử xung đột lâu dài, đều là những cường quốc hạt nhân. Răn đe hạt nhân không còn là giả định. Thật quá dễ để tưởng tượng một cuộc tấn công khủng bố được Pakistan tài trợ dẫn đến sự trả đũa của Ấn Độ.
Sau đó, điều này có thể khiến Pakistan đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, bởi vì các lực lượng quân sự thông thường không thể đấu lại với Ấn Độ. Cũng có khả năng hệ thống chỉ huy và kiểm soát vũ khí có thể bị phá vỡ và một hoặc nhiều thiết bị có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố.
Đã gần 60 năm kể từ khi một ứng cử viên tổng thống trẻ tuổi tên là John F. Kennedy dự đoán rằng có tới 20 quốc gia có thể sở hữu vũ khí hạt nhân vào cuối năm 1964. May mắn thay, Kennedy đã sai và số quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn chỉ là 9 nước.
Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 đã hoạt động khá hiệu quả, một phần bởi vì nó được củng cố bởi những nỗ lực ngăn chặn xuất khẩu các công nghệ quan trọng, kiểm soát vũ khí, các lệnh trừng phạt và sức mạnh đồng minh, làm giảm nhu cầu tự lực của các nước.
Nhưng với công nghệ hạt nhân ngày càng có sẵn, các hệ thống kiểm soát vũ khí bị tháo rời trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực nước lớn được nối lại, các quan hệ đồng minh suy yếu khi Mỹ rút khỏi thế giới và những ký ức mờ dần về Hiroshima và Nagasaki, chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới đầy nguy hiểm.
Cạnh tranh hạt nhân hoặc thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân một lần nữa có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định toàn cầu. Và chưa chắc các nhà lãnh đạo hiện nay sẽ sẵn sàng đối phó với thách thức mới nổi này./.