Dự báo dòng vốn FDI có chất lượng hơn sẽ 'đổ' vào Việt Nam

Tính đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo dòng vốn FDI có chất lượng hơn sẽ 'đổ' vào Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chín tháng năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,7 điểm phần trăm so với 8 tháng, đạt 15,4 tỷ USD. Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định.

Dự báo trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng hơn, với công nghệ cao sẽ đổ vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí…

Số dự án FDI đầu tư mới đang tăng dần

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt hơn 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa-chính trị toàn cầu, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng lần lượt là 29,9% và 1,9%.

Cụ thể, trong 9 tháng, có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký với, với tổng vốn 7,12 tỷ USD, tăng 11,8% về số dự án so với cùng kỳ, nhưng lại giảm 43% về số vốn.

Cục Đầu tư nước ngoài chỉ ra những nguyên nhân cho việc vốn đầu tư cấp mới giảm khá mạnh so với cùng kỳ như: Các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021, từ đó ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.

Tiếp đến là thị trường toàn cầu đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa-chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

Cùng với đó, những tháng đầu năm 2022, không có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn trên 100 triệu USD như cùng kỳ năm 2021. Riêng các dự án này đã chiếm tới 62,3% tổng vốn đăng ký mới của 9 tháng năm 2021, đặc biệt trong đó có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD.

Trong khi đó, 9 tháng năm 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 37,2% tổng vốn đầu tư của 9 tháng.

Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, điểm tích cực là số dự án đầu tư mới đang tăng lên theo từng tháng kể từ đầu năm. Cụ thể, số dự án đầu tư mới trong tháng 9/2022 tăng 6,8% so với tháng 8 và 46,2% so với tháng 7/2022.

[Đón xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam]

Trong khi vốn đăng ký mới giảm thì vốn điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần vẫn tăng. Trong 9 tháng, có 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với 8,3 tỷ USD, tăng 13,4% về số lượt dự án và tăng 29,9% về số vốn. Bên cạnh đó, có 2.697 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 3,28 tỷ USD, giảm 4,7% về số lượt, nhưng tăng 1,9% về số vốn.

Đặc biệt, 9 tháng năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,7 điểm phần trăm so với 8 tháng, đạt 15,4 tỷ USD.

"Các con số này là khá ấn tượng, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Chính vì vậy, họ đã không ngần ngại đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam," lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Tranh thủ cơ hội để thu hút dòng vốn FDI

Thời gian qua, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam; đặc biệt tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam với thực trạng 70% kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá được thực hiện bằng đồng USD.

Đặc biệt, đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế.

Cùng với đó, lãi suất đồng USD tăng, các nhà đầu tư rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài và thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, mới đây, WB đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng với các mức độ khó khăn khác nhau của kinh tế thế giới, điều đó tác động mạnh đến thương mại quốc tế và dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm sáng, cần phải tranh thủ thu hút FDI trong bối cảnh dòng vốn quay trở lại Mỹ và các nước phát triển, đồng thời cần tận dụng xu hướng thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra những cảnh báo về việc Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển nên vốn đầu tư đăng ký mới chưa phục hồi trở lại, quay về như thời điểm trước COVID-19.

Dự báo dòng vốn FDI có chất lượng hơn sẽ 'đổ' vào Việt Nam ảnh 2Một doanh nghiệp FDI ở Bắc Giang. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần khẳng định muốn đón đầu được dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Việt Nam cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực đất đai, nhân lực, hạ tầng…, đồng thời tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Trong bối cảnh hiện nay, để thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, có công nghệ cao và sức lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể, bao gồm: tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy; chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp hội viên.

Cùng với đó, thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên; tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ trong nước và quốc tế; làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài về luật và chính sách điều chỉnh hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục