Ngày 24/4, Ngân hàng trung ương Nga cho biết kinh tế nước này sẽ giảm 4-6% trong năm nay do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và giá dầu giảm mạnh.
Trong một tuyên bố, Ngân hàng trung ương Nga nêu rõ: "Dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) (của Nga) sẽ giảm từ 4-6% trong năm 2020. Các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và giá dầu giảm đã có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế."
Ngân hàng trung ương Nga dự báo kinh tế nước này sẽ bắt đầu phục hồi với tốc độ tăng trưởng 2,8-4,8% vào năm 2021 và tiếp tục đà tăng trưởng từ 1,5-3,5% vào năm 2022, đồng thời giá dầu sẽ tăng từ 27 USD/thùng lên tới 35 USD/thùng vào năm 2021 và 45 USD/thùng vào năm 2022.
Ban giám đốc ngân hàng cũng giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất chủ chốt của ngân hàng xuống 5,5%.
[Nền kinh tế của nước Nga đang phải trải qua một cú sốc kép]
Cùng ngày, Thủ tướng Gruzia Giorgi Gakharia cho biết nước này đã công bố gói hỗ trợ trị giá 3,5 tỷ lari (khoảng hơn 1 tỷ USD), trong đó hơn 2 tỷ lari là nhằm vực đầy nền kinh tế nước này do tác động của đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Gakharia cho biết kinh tế Gruzia dự báo giảm 4% trong năm nay và thu nhập quốc gia mất 1,8 tỷ lari. Chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt 4,5%.
Trong gói hỗ trợ này, Chính phủ Gruzia sẽ phân bổ hơn 2,1 tỷ lari hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hơn 1,03 tỷ lari dành cho phúc lợi và 350 triệu lari phục vụ nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và y tế.
Đầu tuần này, Gruzia đã kéo dài tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 22/5, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm từ 9h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, các nhà hàng, quán cà phê và phần lớn cửa hàng đều bị đóng cửa, hoạt động giao động công cộng bị đình chỉ và cấm tụ tập từ ba người trở lên. Trong khi đó, các cửa hàng tạp phẩm, hiệu thuốc và trạm xăng vẫn hoạt động.
Theo Thủ tướng Gakharia, lệnh cấm đi lại đối với xe tư được áp dụng trên toàn quốc sẽ được dỡ bở từ ngày 27/4 trong khi các biện pháp hạn chế khác sẽ được dỡ bỏ dần.
Cho đến nay, Gruzia gồm 3,7 triệu dân ghi nhận 431 ca mắc COVID, trong đó có năm ca tử vong.
Ngày 24/4, Chính phủ Thụy Điển công bố dự báo cho rằng suy thoái kinh tế của nước này do tác động của đại dịch COVID-19 có thể là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, với GDP giảm tới 10%.
Chính phủ liên minh đã cam kết bỏ ra 100 tỷ crown (khoảng gần 10 tỷ USD) để đối phó với các tác động của dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế nước này.
Bộ trưởng Tài chính Magdalena Andersson cũng đã công bố các khoản cho vay và bảo lãnh trị giá 550-600 tỷ crown.
Cùng với các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, Ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng đổ tiền vào hệ thống tài chính nhằm ngăn chặn nguy cơ cạn tín dụng và không còn khả năng thanh toán.
Thụy Điển vẫn không áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước khác. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và quan hệ thương mại bị đình trệ sẽ vẫn làm tổn hại tới nền kinh tế nước này./.