Anh và Pháp có những hợp tác đáng kể trong các lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao. Do đó, Chính phủ Anh cần phải đảm bảo rằng mối quan hệ song phương mạnh mẽ giữa hai nước vẫn được duy trì thời hậu Brexit.
Đây là nội dung chính của bài phân tích về mối quan hệ Anh-Pháp hậu Brexit của tác giả Kareem Salem đăng trên trang của Viện Quan hệ quốc tế Australia (AIIA).
Trong số hàng trăm người ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Quốc hội ngày 31/1 để kỷ niệm thời khắc lịch sử nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhiều người đã không chú ý tới phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó ông vừa bày tỏ sự tiếc nuối đối với người dân Anh, vừa thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ với Anh sau khi nước này rời khỏi EU.
[Anh thông báo không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit]
Trên thực tế, mặc dù mối quan hệ giữa Anh và Pháp thường xuyên xáo trộn trong lịch sử, song cần nhận thấy cách hợp tác ngoại giao giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể từ sau khi hai nước ký thỏa thuận Entente Cordiale. Đây là thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp thuộc địa và thiết lập sự hiểu biết ngoại giao giữa hai nước.
Kể từ thời điểm này trong lịch sử, Anh và Pháp đã sát cánh cùng nhau vượt qua những cuộc xung đột nghiêm trọng của thế kỷ trước.
Hợp tác quân sự của Anh và Pháp đóng vai trò mấu chốt trong cuộc đấu tranh giành tự do cho châu Âu trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Mối quan hệ sâu sắc này được thể hiện ở nghĩa trang Commonwealth War Graves tại Pháp, nơi lưu giữ hài cốt của khoảng 700.000 quân nhân Anh và Liên hiệp Anh (Commonwealth) trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Trong một loạt cuộc chiến ở bán đảo Balkan vào những năm 1990, các lực lượng quân sự của Pháp và Anh đã sát cánh cùng nhau trong các hoạt động quân sự để khôi phục hòa bình cho một khu vực chỉ cách thành phố Brussels hai giờ đồng hồ đi đường.
Trong những năm gần đây, hợp tác quân sự Anh-Pháp có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các quốc gia thành viên Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở phía Đông Âu và chống lại mối đe dọa khủng bố tại phía Nam châu lục này.
Các lực lượng vũ trang của Anh và Pháp hoạt động cùng nhau ở Estonia để ngăn chặn hành động gây hấn của Nga và đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong Chiến dịch Nhổ tận gốc (Operation Inherent Resolve) để tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông.
Tại vùng Sahel, Anh đã cung cấp cho Pháp một máy bay trực thăng vận tải hạng nặng Chinook rất cần thiết, phản ánh sự hợp tác chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai ở nước ngoài giữa hai quốc gia.
Về mặt công nghiệp, sự hợp tác song phương đặc biệt đáng chú ý trong lĩnh vực tên lửa, trong đó, Anh và Pháp đã phát triển các chương trình chung, đơn cử là chương trình tên lửa không đối không Meteor.
Sự hợp tác công nghiệp được tăng cường hơn nữa với việc ký kết thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước năm 2017 để phát triển vũ khí tầm xa trong tương lai cho lực lượng Hải quân và Không quân hai nước nhằm cải thiện hệ thống vũ khí hiện có.
Về mặt ngoại giao, Pháp và Anh đã có hợp tác đáng kể nhằm giảm bớt những căng thẳng ở khu vực láng giềng ở Nam Âu. Mối quan hệ ngoại giao cũng được chứng kiến qua những nỗ lực chung của Anh và Pháp, cùng với Đức nhằm thay đổi hành vi của Iran đối với chiến lược phổ biến hạt nhân của nước này kể từ năm 2003.
Nhóm các quốc gia này, còn gọi là E3 đã đóng vai trò hàng đầu và đã đầu tư nguồn lực sức mạnh chính trị và kinh tế đáng kể nhằm giải quyết xung đột đối với chương trình hạt nhân của Iran và đã đạt được một thỏa thuận đa phương.
Đáp lại việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) và áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Iran, vốn đã tàn phá nền kinh tế Iran, ba cường quốc hàng đầu của châu Âu đã hợp tác trong việc tạo ra một phương tiện đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp giữa các công ty châu Âu và Iran.
Giữa đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhóm E3 vào ngày 31/3 đã thông qua cơ chế INSTEX, kết thúc thành công giao dịch đầu tiên của các nước này với Iran để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa y tế từ châu Âu sang Iran. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các nỗ lực hợp tác tại châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, với việc Anh giờ đây đã rời khỏi EU, quốc đảo này nằm ở ngã tư đường. Khi Tổng thống Trump ngày càng xa rời những lợi ích và giá trị chính sách đối ngoại của chính quyền Anh - từ biến đổi khí hậu đến can dự với Iran - Anh phải đối mặt với một lựa chọn tinh tế trong việc xác định liệu có nên củng cố mối quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ và các đối tác trong Liên hiệp Anh hay tái lập quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước láng giềng châu Âu.
Ông Trump không còn gắn bó tình cảm với Anh và với lý do này, nhiều khả năng sẽ không đàm phán một thỏa thuận thương mại với London, điều này có thể dẫn đến một mối quan hệ không cân bằng.
Chính quyền Trump sẽ không ngừng theo đuổi bất cứ điều gì ngăn cản các công ty Mỹ kinh doanh ở Anh và sẽ yêu cầu chính quyền London hy sinh các cam kết về khí hậu, đáng chú ý là nỗ lực của Anh nhằm giảm lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Việc đạt được các yêu cầu của ông Trump chắc chắn sẽ gây ra khoảng cách liên kết giữa Anh và Pháp về vấn đề môi trường vì năm 2019, Pháp cũng đã đưa ra luật cắt giảm toàn bộ phát thải carbon xuống mức 0.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã nêu quan điểm rõ ràng rằng việc tiếp cận được thị trường Mỹ và nhận được sự bảo hộ an ninh của Mỹ đòi hỏi chính phủ Anh phải có sự điều chỉnh dứt khoát chính sách đối ngoại của mình theo hướng ủng hộ chính quyền Mỹ hiện tại.
Hồi tháng 1/2020, nhà lãnh đạo Mỹ đã kêu gọi London từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tham gia chiến dịch gây áp lực tối đa cùng với Mỹ. Nói chung, một thỏa thuận thương mại tự do của Anh với Mỹ dưới thời chính quyền Trump rõ ràng sẽ có tác động đến lợi ích và giá trị của Anh, qua đó cũng sẽ có tác động đến thỏa thuận Entente Cordiale.
Chính quyền Anh cũng trông đợi vào việc thúc đẩy những mối quan hệ sâu sắc hơn với các đồng minh thuộc Liên hiệp Anh (Commonwealth).
Về mặt GDP danh nghĩa, GDP của 6 nền kinh tế lớn nhất ngoài Liên hiệp Anh (Ấn Độ, Canada, Australia, Nigeria, Nam Phi và Malaysia) chiếm ít hơn so với GDP của Pháp và Đức cộng lại.
Thực tế là thương mại của Anh sang châu Âu chiếm 49% xuất khẩu của Anh, trong đó một số lượng đáng kể các nhà máy sở hữu nước ngoài chỉ phục vụ duy nhất một thị trường là các nhà máy của Anh. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của Anh trong việc duy trì liên kết kinh tế với các đối tác châu Âu.
Tiền đề của việc Anh xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ thương mại trên toàn thế giới cũng cần phải xem xét đến nguy cơ đại dịch sẽ làm thương mại toàn cầu sụt giảm từ 13-32% trong năm nay. Điều này chắc chắn sẽ làm hạn chế khả năng của Vương quốc Anh trong việc đạt được tăng trưởng nhờ xuất khẩu.
Với việc đại dịch đang làm suy giảm nền kinh tế Anh, Thủ tướng Boris Johnson cũng khó có đủ khả năng để đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với EU trong tương lai. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế của Anh với các đồng minh châu Âu trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Johnson đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit với EU giống như một thỏa thuận mà Canada đã ký với EU năm 2016, trong đó Anh dự định sẽ không tuân thủ các quy định của EU.
Thỏa thuận thương mại theo kiểu của Canada này đã bị trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier phản đối, dẫn tới việc London cân nhắc rời khỏi các cuộc đàm phán vào cuối tháng 6.
Việc tử bỏ các cuộc đàm phán này có thể dẫn đến viễn cảnh quan hệ thương mại tương lai giữa Anh và EU sẽ được thực hiện theo các quy định của thương mại thế giới với những mức thuế cao và những khâu kiểm tra hải quan gắt gao sẽ được áp đặt đối với cả hai phía.
Điều này sẽ gây bất lợi cho tương lai hợp tác giữa các công ty sản xuất quốc phòng của Anh và Pháp. Thương mại không ma sát luôn là tối quan trọng trong việc phát triển quan hệ đối tác kinh doanh ở châu Âu, do đó, những rào cản thương mại theo quy định quốc tế chắc chắn sẽ làm tăng chi phí theo đuổi sự hợp tác song phương trong tương lai.
Mới đây, hãng hàng không Dassault Aviation của Pháp đã bỏ qua việc hợp tác với công ty BAE Systems của Anh để thiết lập một thỏa thuận với đối thủ Airbus để sản xuất thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo của châu Âu.
Do đó, việc tiếp tục hợp tác với Brussels là điều cần thiết để tránh việc áp dụng các rào cản không liên quan đến thương mại hàng hóa và dịch vụ, qua đó sẽ nâng cao động lực để các công ty sản xuất quốc phòng của Pháp tiếp tục theo đuổi các dự án quốc phòng chung với các đối tác của Anh trong tương lai./.