Michael Mackey là một trong số hàng ngàn du khách đổ tới Nepal để tận hưởng kỳ nghỉ mùa Xuân. Nhưng sau trận động đất đã gây thiệt hại lớn về người và của ở đây, anh lại nằm trong nhóm những người tuyệt vọng muốn rời khỏi Nepal để về nhà.
Mackey, người New Zealand, vợ và ba con, đã ở trong một quán cà phê tại Kathmandu khi trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra trong ngày 25/4, khiến họ chạy thục mạng ra ngoài trong bối cảnh các tòa nhà rung chuyển và sụp đổ.
"Các công trình đều bị hư hại nặng. Sau thảm họa, chúng tôi đã không dừng lại mà đi thẳng tới bên ngoài sân bay,” Mackey, người đã có 3 tuần ở lại Nepal, chia sẻ khi trận động đất đã khiến ít nhất 3.200 người thiệt mạng. "Chúng tôi vẫn đang liên lạc với đại lý du lịch của mình, cố gắng đặt bất kỳ chuyến bay nào có thể để rời Nepal."
Với khung cảnh đồi núi vô cùng ấn tượng và bề dày lịch sử văn hóa, năm nào Nepal cũng là điểm thu hút mạnh du khách – đã có gần 800.000 người tới đây trong năm 2013 – với rất đông là dân leo núi, tiến thẳng tới ngọn Everest và các đỉnh cao gần đó.
Số khác đi tới thị trấn Pokhara, cổng đến của nhiều tuyến đi bộ dọc theo dãy núi Annapurna.
Những đồng USD từ các du khách đã mang lại nguồn doanh thu mà Nepal cần, trong bối cảnh nền kinh tế nước này suy yếu vì quá trình bất ổn chính trị kéo dài kể từ cuối cuộc nội chiến diễn ra hồi năm 2006. Nhưng nhiều người như Mackey đang phải tháo chạy, sau khi kinh hoàng chứng kiến trận động đất tàn phá nhiều tòa nhà, con đường và khiến hoạt động liên lạc bị tê liệt.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người nước ngoài nằm trong số những người bị thiệt mạng. Có ít nhất 18 người đã chết vì lở tuyết trên Everest do động đất gây ra. Ấn Độ, nước láng giềng của Nepal, đã dùng máy bay quân sự sơ tán gần 1.000 công dân kể từ ngày 25/4. Tuy nhiên Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar nói rằng vẫn rất khó để biết được có bao nhiêu người Ấn Độ còn kẹt lại ở Nepal.
Trung Quốc, nước có 4 người dân chết vì động đất Nepal, tuyên bố hôm 27/4 rằng đã sơ tán hơn 1.000 công dân. Các hãng hàng không của nước này cũng đang tích cực đưa 4.000 du khách còn kẹt lại về nước.
Hội Chữ thập Đỏ đã mở một trang web để giúp các gia đình đang lo lắng liên lạc được với người thân.
Thảm kịch trên Everest
Trong lúc này, cộng đồng leo núi ở Nepal vẫn chưa hết kinh hoàng vì vụ lở tuyết. Đây là thảm họa lớn thứ hai xảy ra đúng mùa leo núi Everest, trong vòng có 2 năm.
Tháng 4 năm ngoái, 16 Sherpa đã thiệt mạng trong một vụ lở tuyết, biến đây là thảm họa chết chóc nhất trong lịch sử hoạt động chinh phục Everest. Nhưng nay vụ lở tuyết mới này còn gây chết chóc nhiều hơn.
Ít nhất 2 người Mỹ đã chết trong vụ lở tuyết. Họ gồm một bác sĩ làm việc cho một công ty hướng dẫn leo núi và một quản trị viên của tập đoàn Google.
Ngoại trưởng Nhật Bản nói rằng ít nhất 1 người Nhật Bản khoảng 50 tuổi đã chết trong vụ lở tuyết. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đang tích cực liên lạc với khoảng 1.011 công dân nước này đang làm việc ở Nepal.
Israel thông báo đã tiến hành không vận 25 đứa trẻ sơ sinh, do các bà mẹ đẻ thuê sinh ra, từ Nepal về Tel Aviv. Israel cũng cử một phái đoàn quân sự sang đưa 700 công dân ở đây về nước.
Bộ Ngoại giao Anh thì nói rằng hàng trăm người Anh đã tới Nepal. Tuy nhiên chưa có thông tin nào về cái chết của các công dân Anh.
Nhà chức trách đã xác nhận sự an toàn của hơn 830 người Australia ở Nepal. Tuy nhiên người ta vẫn chưa biết tin tức của khoảng 200 người khác.
“Chúng tôi đã có máy bay để rời đi”
Với việc các trận hậu chấn vẫn khiến Nepal rung chuyển, du khách Martin Hulla của Cộng hòa Séc đã tìm tới cắm trại trong khu vườn Hoàng gia Nepal ở Kathmandu, thay vì ở lại trong các tòa nhà bị động đất gây hư hại. “Ngoài đó rất lạnh. Nhưng giờ chúng tôi đã đặt được chuyến bay từ Kathmandu tới Thái Lan,” Hulla nói với hãng tin AFP.
Sau khi chạy tháo thân khỏi khách sạn mà không mang theo đồ đạc gì, chàng trai 26 tuổi đã trở lại để lấy hành lý và tiền bạc. "Chúng tôi đang nghỉ trên giường lúc động đất xảy ra. Chúng tôi đã vội lao ra khỏi khách sạn khi khách sạn rung lắc dữ dội” – bạn đồng hành với Hulla là Marie-Laure Parsy chia sẻ.
Trong làn sóng người nước ngoài rời khỏi Nepal, một số đã muốn ở lại để giúp đỡ. Du khách Heli Camarinha, người Bồ Đào Nha, mới chỉ đến Nepal một hôm trước khi thảm họa xảy ra. Cô gái 28 tuổi này hiện đang tới một trong các bệnh viện bị quá tải ở Kathmandu để giúp đỡ. "Khi thấy báo chí địa phương nói rằng các bệnh viện cần tình nguyện viên, tôi đã đến giúp đỡ,” Camarinha nói với AFP.
“Tôi có chứng nhận đã qua đào tạo sơ cứu và đã có kinh nghiệm tham gia hoạt động xã hội ở quê nhà,” cô chia sẻ. "Tôi làm nhiều thứ, từ dọn dẹp các khu bệnh nhân tới việc dùng cáng chuyển bệnh nhân đến các tầng khác nhau. Về cơ bản, tôi đã làm mọi điều có thể để giúp đỡ việc khắc phục hậu quả”./.