Du lịch cả nước thu 24.000 nghìn tỷ đồng sau kỳ nghỉ lễ 30/4

Những con số thống kê sau kỳ nghỉ vàng vừa qua đều thể hiện sự tăng trưởng lượng khách nội địa và quốc tế, là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch cả nước tiếp tục duy trì được đà phục hồi.
Du lịch cả nước thu 24.000 nghìn tỷ đồng sau kỳ nghỉ lễ 30/4. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Hơn 300.000 khách quốc tế, gần 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 3,2 triệu lượt khách có lưu trú với tổng thu ước đạt 24.000 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) là con số thống kê kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 Tổng cục Du lịch vừa chính thức công bố.

Đáng nói, không phải là các “điểm nóng” du lịch quen thuộc hút khách đông nhất mà Thanh Hóa đã vươn lên dẫn đầu cả nước về lượng khách đến.

Khách ngoại chọn du thuyền

Theo đánh giá từ Tổng cục Du lịch, trong kỳ nghỉ vàng vừa qua, các doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không đã chủ động giới thiệu sản phẩm kích cầu hấp dẫn, phù hợp xu hướng và tâm lý du khách. Với những chính sách ưu đãi, giảm giá cùng nhiều sản phẩm mới được các đơn vị lữ hành tung ra trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng khách đặt tour, vé máy bay có sự gia tăng, công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100%.

Các sản phẩm du lịch được doanh nghiệp chủ động làm mới, liên kết, thu hút đông đảo khách du lịch như: chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Khởi động mùa Hè” (Hà Nội); các chương trình trải nghiệm sinh thái, gắn với di tích lịch sử-tâm linh và văn hóa tại Phù Đổng (Hà Nội); Chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

[Cần chiến lược tổng thể khai phá 'mỏ vàng' du lịch golf Việt Nam]

Đặc biệt, sản phẩm du lịch đường biển (tàu biển, du thuyền xuyên Việt, tour đảo) được du khách quốc tế ưa chuộng, lựa chọn cao. Nổi bật nhất là sản phẩm của Công ty Saigontourist đã đón liên tục 10 đoàn khách quốc tế đến Việt Nam với hơn 5.000 du khách từ Đức, Pháp và các nước châu Á để tham gia tour du thuyền xuyên Vịnh Hạ Long; Vietravel phục vụ hơn 10.000 lượt khách quốc tế (bằng 1/3 lượng khách ngoại phục vụ trong kỳ nghỉ lễ của cả nước), sản phẩm chủ đạo được lựa chọn là tour biển, tour du thuyền dài ngày...

Các điểm du lịch biển tiếp tục "hot" trong kỳ nghỉ lễ vừa qua. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Do giá vé máy bay nội địa mở bán trong tháng Tư tăng cao nên lượng khách Việt đặt tour đi nước ngoài tăng mạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%, thậm chí có tour đã hết chỗ như Thái Lan, Hàn Quốc, Bali (Indonesia)…

Tuy nhiên, một số đường bay du lịch trong kỳ nghỉ vẫn vắng khách, dù giá vé tại một số chặng bay sát ngày nghỉ có giảm nhẹ khoảng 10-15% so với trước đó. Đơn cử như đường bay xuất phát từ Hà Nội ngày 28/4 đi Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, tỷ lệ đặt chỗ chỉ từ 65-77%. Trong khi đó, các đường bay đi Đồng Hới, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Rạch Giá có tỷ lệ đặt chỗ trên 90%; các đường bay đi Huế, Pleiku, Cần Thơ có tỷ lệ đặt chỗ trên 80%.

Thanh Hóa: “Điểm nóng” nội địa

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay một số địa bàn du lịch trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, với lượng khách tăng đáng kể; có nơi lượng khách không đạt như kỳ vọng nhưng chất lượng khách tốt hơn.

“Vì thời gian nghỉ tương đối dài nên đa số khách du lịch lựa chọn một số khu, điểm du lịch biển phát triển như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng…; hoặc vui chơi, tham quan các khu, điểm du lịch gần, có thể đi về trong ngày tại các khu điểm du lịch văn hóa, sinh thái, đối tượng là khách lẻ, khách đi theo gia đình, theo nhóm ít 3-5 người,” lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho hay.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Thanh Hóa là “điểm sáng” của du lịch nội địa kỳ nghỉ vừa qua khi phục vụ tới gần 1,2 triệu lượt khách (tăng 33,1% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2022), tổng thu du lịch đạt khoảng 2.865 tỷ đồng (tăng 48,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2022).

Một góc Đà Lạt mộng mơ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, các địa phương trọng điểm của cả nước có thể kể đến như: Cần Thơ phục vụ 982.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 523 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ 950.000 lượt khách, tổng thu ước đạt 3.130 tỷ đồng; Nghệ An phục vụ khoảng 780.000 lượt khách; tổng thu ước đạt 1.500 tỷ đồng; Hà Nội phục vụ 719.000 lượt khách, tổng thu đạt 2.400 tỷ đồng; Bà Rịa-Vũng Tàu phục vụ khoảng 499.730 lượt khách, tổng thu đạt hơn 633,69 tỷ đồng; Đà Nẵng phục vụ 321.623 lượt khách…

Các địa phương nằm trong top các điểm đến nội địa có lượng khách đến dưới 300.000 lượt khách như: Quảng Bình, Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế…

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết việc đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ được các địa phương triển khai tốt nên không xảy ra các tai nạn, sự cố đáng tiếc. Những con số thống kê đều thể hiện sự tăng trưởng lượng khách nội địa và quốc tế, là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh.

Song, lãnh đạo ngành du lịch nước nhà thừa nhận còn hiện tượng ùn tắc cục bộ tại các điểm đến, các tuyến quốc lộ vào giờ cao điểm và kéo dài trong nhiều giờ. Vì vậy, vẫn xảy ra hiện tượng hủy lịch trình, hủy dịch vụ.

“Nguồn nhân lực du lịch thiếu hụt, chưa kịp đào tạo bổ sung cùng tình trạng đông đúc, chen lấn cục bộ vẫn diễn ra tại một số địa phương trọng điểm du lịch khiến chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của du khách,” ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định./.

Thành phố Hồ Chí Minh rực sáng về đêm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục