Du lịch Cần Thơ trở mình mạnh mẽ, phấn đấu đón 5,2 triệu lượt khách

Để đạt được mục tiêu đón 5,2 triệu lượt khách, du lịch Cần Thơ đã có sự trở mình mạnh mẽ cả trong chính sách điều hành lẫn nội tại doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.
Chợ nổi Cái Răng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Năm 2023, ngành du lịch Cần Thơ đặt mục tiêu đón 5,2 triệu lượt khách, lượng khách lưu trú đạt khoảng 2,7 triệu lượt, tổng doanh thu gần 4.600 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với năm 2021).

Để đạt được mục tiêu đó, du lịch Cần Thơ đã có sự trở mình mạnh mẽ cả trong chính sách điều hành lẫn nội tại doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.

Từ các chính sách vĩ mô...

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thành phố Cần Thơ mới đây, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết theo Nghị quyết số 10 của Thành ủy, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển của ngành được đánh giá chưa xứng với tiềm năng.

Định hướng giai đoạn từ nay đến năm 2030, đặc biệt là trong năm bản lề 2023, chính quyền thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư; chú trọng công tác nghiên cứu đầu tư và khai thác khu, điểm du lịch tiềm năng để phát triển thành khu du lịch quốc gia, kêu gọi đầu tư hệ thống cồn dọc sông Hậu; quy hoạch, hình thành khu du lịch quy mô, khu phức hợp vui chơi giải trí, thương mại-dịch vụ hiện đại, hệ thống khách sạn cao cấp, trung tâm hội nghị, làng du lịch, khu nghỉ dưỡng và giải trí, khu du lịch sinh thái...

[Cần Thơ ra mắt các sản phẩm mới, thúc đẩy du lịch phát triển]

Các định hướng này nhằm tạo điểm đến hấp dẫn và nâng dần lợi thế, năng lực cạnh tranh cho Cần Thơ trong lĩnh vực du lịch.

Chính quyền thành phố tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch, đặc biệt là chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển mô hình du lịch đường sông, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, hình thành sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố...; khuyến khích chương trình khởi nghiệp du lịch nông nghiệp.

Thành phố sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay mới, kết nối với thị trường khách du lịch có tiềm năng; nâng cao chất lượng, tăng tần suất đường bay đang khai thác tại Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.

Thời gian tới, Cần Thơ nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) hướng dẫn.

Du khách rất thích thú với trải nghiệm ăn bún riêu khi đến với chợ nổi Cái Răng. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho biết năm 2023, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, tận dụng mọi nguồn lực nhằm tạo cú hích cho du lịch phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các lớp liên kết đào tạo được triển khai sâu rộng trong năm 2023, nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ cho nhân lực ngành du lịch, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng đội ngũ, gia tăng sự hài lòng cho du khách.

Các sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ được xây dựng bài bản, trên cơ sở thế mạnh văn hóa sông nước bản địa.

Năm 2023, ngành du lịch sẽ tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành nghị quyết, quyết định phát triển mô hình “du lịch nông nghiệp đường sông,” kết nối hiệu quả những điểm du lịch nổi bật với tour du lịch đường sông, các cồn...

Ngành đổi mới phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.

Các nội dung quảng bá được đẩy mạnh trên nền tảng số như website, Facebook, fanpage, Zalo, Tiktok... với hình thức thông tin đa dạng, hiện đại như video clip, infographics...

Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đại diện Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ thông tin, thời gian tới, Sở tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, trục đường đô thị đưa vào khai thác sử dụng đúng kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các bến xe Ô Môn, Cờ Đỏ và kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như Dự án 14 Bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu-cuối xe buýt, Dự án Hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) và Dự án Trạm dừng, nhà chờ xe buýt theo hướng thông minh, hiện đại.

Ngành giao thông vận tải tăng cường xúc tiến, kêu gọi hãng bay tăng tần suất khai thác, mở thêm đường bay nội địa và quốc tế đến thành phố, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt công suất 7 triệu hành khách theo định hướng quy hoạch; xây dựng danh mục các dự án giao thông vận tải để mời gọi đầu tư của giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án bến cảng tàu khách dọc theo sông Hậu, đặc biệt là dự án Bến cảng khách quốc tế Cần Thơ (tại khu vực bến phà Cần Thơ cũ), mời gọi đầu tư dự án Tuyến buýt đường thủy Ninh Kiều-Cồn Ấu-Cồn Sơn-Cù Lao Tân Lộc nhằm phục vụ người dân, du khách đến tham quan du lịch.

Về việc đưa du lịch đường sông trở thành loại hình du lịch trọng điểm thời gian tới với điểm nhấn là chợ nổi Cái Răng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Cái Răng, cho biết quận tiếp tục thực hiện Ðề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt vào năm 2016 với 13 hạng mục chính.

Một trong những việc Đề án đã hoàn thành và làm tốt là an sinh xã hội.

Ủy ban Nhân dân quận Cái Răng đã tạo điều kiện để gần 200 hộ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, nông sản cho chợ nổi Cái Răng.

Năm 2023, quận tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tiểu thương hình thành sản phẩm du lịch đặc thù, gia tăng trải nghiệm cho du khách song song với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên chợ nổi Cái Răng.

... đến nỗ lực chuyển mình của doanh nghiệp

Nắm bắt cơ hội về chính sách khuyến khích phát triển du lịch đường sông của thành phố thời gian tới, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết Tập đoàn Vietravel vừa ký kết Thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ về xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch của thành phố, trong đó chú trọng hoạt động xây dựng sản phẩm, dịch vụ mang đậm bản sắc sông nước.

Cụ thể, Vietravel sẽ xây dựng tour du lịch đường sông dựa trên tài nguyên bản địa, kết nối giữa điểm du lịch trọng điểm trên bờ với Chợ nổi Cái Răng, các cồn.

Tiêu biểu như tour du lịch đường sông kết hợp tham quan bến Ninh Kiều, chợ đêm Ninh Kiều, khu ẩm thực đêm sông Hậu...

Về tour liên tỉnh, xuyên quốc gia, Vietravel thiết kế tuyến du lịch du thuyền từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây, trong đó Cần Thơ là điểm dừng chân trọng điểm.

Du khách có thể nghỉ lại Cần Thơ một đêm để trải nghiệm các loại hình du lịch đêm tại thành phố.

Bên cạnh đó là tuyến du lịch xuyên quốc gia, dành cho khách nước ngoài đến Việt Nam và ngược lại; Cần Thơ là điểm dừng chân lý tưởng trong những lộ trình này.

Ngày hội du lịch đêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ lần thứ 5. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Đại diện doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, ông Trần Yên Vinh, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ, chia sẻ nắm bắt được định hướng khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống các khách sạn cao cấp, trung tâm hội nghị của chính quyền thành phố nhằm phát triển loại hình du lịch MICE (hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện), Mường Thanh Cần Thơ tập trung mọi nguồn lực để tái cấu trúc, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo nâng cao để đội ngũ nhân sự ngày càng chuyên nghiệp, nhất là trình độ ngoại ngữ.

Đây là động thái nhằm chủ động đón đầu làn sóng khách du lịch sẽ đổ về Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong năm 2023 và những năm tới.

“Khách du lịch MICE thường chi tiêu cao và số lượng đoàn lớn, vì thế nếu phát triển du lịch MICE sẽ kéo dài thời gian lưu trú của khách tại Cần Thơ, góp phần gia tăng về kinh tế,” ông Trần Yên Vinh nhấn mạnh.

Năm 2022 được coi là năm “bùng nổ” các sản phẩm du lịch mới, chứng kiến sự “chào sân” của hàng loạt điểm du lịch tại Cần Thơ.

Để thu hút khách, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tổ chức nhiều chương trình ẩm thực, nghệ thuật... độc đáo như Victoria Resort Cần Thơ (quận Ninh Kiều) tổ chức tiệc buffet bánh trái Nam Bộ trong khuôn viên dọc bờ sông Hậu, mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách, nhất là khách nước ngoài.

Các điểm có sản phẩm du lịch mới, thu hút đông khách tham quan, vui chơi, trải nghiệm, có thể kể đến như Cần Thơ Eco Resort, Làng du lịch Mỹ Khánh, Làng du lịch sinh thái ông Đề, phố ông Lang, Mekong Silt, Giọt phù sa, Rạch Sao Eco Garden, làng hoa Cần Thơ, Căn nhà màu tím, Cồn Sơn, Tam giác mạch Farm, Cần Thơ Farm...

Các điểm du lịch nghiên cứu kỹ để thiết kế mô hình tiểu cảnh độc lạ, phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách.

Năm nay, khách có xu hướng tìm về những cánh đồng quê, ao cá, vườn hoa, vật nuôi...

Do đó, những mô hình như “cù lao thỏ” tại Tam giác mạch Farm, cây may mắn tại phố ông Lang hay “thuyền phòng” tại Mekong Silt... là điểm nhấn níu chân du khách khi đến Cần Thơ.

Đặc biệt, tại điểm du lịch Cần Thơ Eco Resort (huyện Phong Điền), du khách được trải nghiệm hồ bơi nước mặn rộng 400m2 duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong hai điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố, mới được Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ công nhận, nâng tổng số điểm du lịch được công nhận tiêu biểu cấp thành phố lên 18.

Nằm giữa dòng sông Hậu hiền hòa, thuộc quận Bình Thủy, cồn Sơn là điểm du lịch cộng đồng nổi bật tại Cần Thơ.

Để thu hút ngày càng nhiều hơn khách du lịch trong và ngoài nước, tại đây liên tục cho ra mắt sản phẩm du lịch mới.

Các điểm vườn đã và đang hoàn thiện, đưa vào phục vụ nhiều hoạt động trải nghiệm mới như đi trên lá sen vua khổng lồ, triển lãm mô hình 15 loài cá đặc trưng của sông Hậu (cá hô, cá vồ cờ, cá chạch lấu) dưới dạng 3D tại Phòng thông tin nghề cá...

Là “tân binh” mới góp mặt trong trong bản đồ du lịch Cần Thơ, Tam giác mạch Farm (thuộc quận Cái Răng) nổi lên như một điểm thu hút khách với nhiều loài “kỳ hoa dị thảo.”

Anh Trịnh Văn Luân, quản lý Tam giác mạch Farm, cho biết để tạo sự thay đổi, mới lạ cho du khách, bên cạnh hoa tam giác mạch là chủ đạo, điểm vườn du lịch sưu tầm mang về trồng thêm nhiều loại hoa lạ như hoa cải trắng vùng Tây Bắc, hoa thạch thảo...

Khách phương Nam không cần đến Tây Bắc cũng có thể được thỏa mãn ngắm nhìn và chụp hình với các loài hoa vốn rất lạ với những người “quanh năm không biết mùa Đông.”

Với sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp, năm 2022, du lịch Cần Thơ thu hút 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 4.100 tỷ đồng. Đây là nền tảng và cơ sở vững chắc để có thể kỳ vọng sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa của ngành du lịch Cần Thơ trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục