Du lịch hậu COVID-19: Vực dậy toàn ngành bằng quyết tâm chuyển đổi số

Thảm họa COVID-19 đã khiến nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh du lịch truyền thống sụp đổ. Và, đây chính là lúc toàn ngành chuyển mình mạnh mẽ để tự vực dậy bằng con đường chuyển đối số.
Giới trẻ ngày nay phần lớn chọn tìm hiểu thông tin du lịch bằng công nghệ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Năm 2020, cơn “cuồng phong” mang tên COVID-19 đã thực sự tàn phá nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng trên quy mô toàn cầu. Cũng chính thảm họa này đã khiến nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh du lịch truyền thống sụp đổ.

Sự nguy hiểm, khó lường của COVID-19 cũng làm hành vi của khách du lịch thay đổi liên tục theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán… Theo đó, doanh nghiệp nào có hệ thống thông tin về khách hàng, sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu khách. Điều này cũng có nghĩa, chỉ các doanh nghiệp du lịch triển khai chuyển đổi số mới có thể đáp ứng nhu cầu bất thường của khách hàng.

[Du lịch hậu giãn cách COVID-19: ‘Sống chung với lũ’ bằng công nghệ mới]

Vì vậy, chính COVID-19 lại góp phần thúc đẩy ngành du lịch phải triển khai nhanh công tác chuyển đổi số để khắc phục hậu quả đại dịch, khôi phục và phát triển toàn ngành. Đây cũng chính là nội dung của Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam,” vừa diễn sáng nay (30/9) tại Hà Nội.

Du lịch hướng tới ngành kinh tế số

Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới UNWTO, đại dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại khoảng 1 tỷ khách quốc tế năm 2020, tổn thất 1.000 tỷ USD. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng dự báo, năm nay, COVID-19 làm cho khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%.

Thế nhưng, chính trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường thì các hoạt động kinh tế trực tuyến đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Sáu tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến tăng trưởng 50-200%, cho thấy việc ứng dụng công nghệ mới đã chứng tỏ ưu việt trong công cuộc khắc phục hậu quả của COVID-19 nói riêng và thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ: “Du lịch là ngành dịch vụ gắn liền với mọi biến động của xã hội, nên có điều kiện ứng dụng các công nghệ liên quan đến dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu cầu người dân. Trên thế giới, du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số.”

Du khách tìm hiểu thông tin điểm đến bằng ứng dụng công nghệ số. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo Microsoft, chuyển đổi số tác động đến GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, năm 2017 là 6%, 2019 là 25% và 2021 là 60%. Theo nghiên cứu của Công ty McKensey, đến năm 2025 tác động của chuyển đổi số vào GDP của nước Mỹ là 25%, châu Âu là 36%. Như vậy chuyển đổi số là xu thế tất yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng hơn lúc nào hết, kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch đang dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Để đạt được mục tiêu trên, việc đầu tiên là cần triển khai chương trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số làm chuyển đổi quá trình giao tiếp với khách du lịch và marketing dịch vụ du lịch, mở ra những cách thức mới có tính sáng tạo cao trong việc cung cấp dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách.

Ông Bình cho biết: “Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành du lịch bao gồm: Công nghệ di động; Điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT); Thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR); Trí thuệ nhân tạo (AI); Block chain (chuỗi khối); Thương mại điện tử.”

Diễn đàn kinh thế thế giới WEF ước tính việc chuyển đổi số giai đoạn 2015-2025 sẽ tạo ra 305 tỷ USD cho ngành du lịch, tạo ra 700 tỷ USD cho du khách và xã hội thông qua việc giảm tác động đến môi trường, cải thiện an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách.

Thứ Trưởng Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Lan tỏa chuyển đổi số trong du lịch

"Phải tạo ra những vector cùng chiều, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch, phát triển kinh tế," Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tại sự kiện.

Theo ông, hiện có 5 lĩnh vực mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang giao Tổng cục Du lịch. Đầu tiên, phải tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong marketing du lịch, là “mặt trận’ lớn mà toàn ngành đang còn bỏ ngỏ.

“Chúng ta cũng chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ lưỡng để ứng dụng rộng rãi công nghệ số trong marketing du lịch, mà đó là điều không thể thiếu trong hoạt động của bất cứ một doanh nghiệp nào nếu muốn tồn tại và phát triển,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Lĩnh vực thứ hai mà Tổng cục Du lịch phải triển khai là quản lý điểm đến du lịch một cách thông minh. Theo ông Hùng, lãnh đạo Bộ muốn lãnh đạo Tổng cục Du lịch và những người làm quản lý hãy đặt mình ở vị trí một du khách xem họ nghĩ gì, muốn gì khi tìm kiếm một điểm đến du lịch. Nắm bắt tâm lý du khách để xây dựng và cung cấp sản phẩm thông qua hệ thống số trên cơ sở tương tác và có sự hỗ trợ của cơ quan chính quyền.

Lĩnh vực thứ ba, hệ thống thông tin du lịch cũng như các ứng dụng (hay nói cách khác đây là cơ sở dữ liệu đầu vào) mà ngành phải xây dựng và tổng hợp để tạo tương tác và tương thích với các tổ chức khác. Ông Hùng cho rằng “big data” này phải thật lớn, để tất cả cùng đưa vào đó và sử dụng chung.

Thứ tư, từ những vấn đề đó, Tổng cục Du lịch phải kêu gọi các doanh nghiệp cùng hưởng ứng để tạo ra những sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin cho lĩnh vực du lịch.

“Cuối cùng, khi thực hiện những nội dung này, chúng ta phải lan tỏa không chỉ riêng vấn đề công nghệ số, cho những người làm công nghệ thông tin, mà công nghệ số này phải đến với mọi cấp, mọi ngành và ai cũng có thể được sử dụng công nghệ số ở từng cấp độ vì những mục đích khác nhau. Tổng hợp lại những yếu tố đó là để hỗ trợ, phát triển cho ngành du lịch,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục