Một số tổ chức quốc tế và chính phủ trên thế giới đưa ra những phản ứng khác nhau sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố "Kế hoạch Hòa bình Trung Đông" rạng sáng 29/1 (giờ Việt Nam).
Trong một tuyên bố ra cùng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, khẳng định tổ chức đa phương này duy trì cam kết đối với giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới trước khi Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza trong cuộc chiến tranh năm 1967.
Ông nêu rõ trong suốt những năm qua, quan điểm của Liên hợp quốc về giải pháp hai nhà nước đã được xác định rõ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Về phần mình, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit cho rằng việc áp đặt mọi giải pháp đối với cuộc xung đột giữa Palestine và Israel sẽ không thành công.
Ông nhấn mạnh đàm phán giữa Israel và Palestine là con đường duy nhất để đạt được một thỏa thuận hòa bình thực sự, nghiêm túc và cân bằng.
Quan chức này cho biết thêm kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Mỹ đưa ra sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng được Hội đồng AL triệu tập khẩn theo hướng đảm bảo các lợi ích của các nước thế giới Arab và Palestine.
Tổng Thư ký AL đưa ra phát biểu trên tại cuộc gặp với Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương đảng Fatah tại Palestine - ông Jibril al-Rajoub - tại thủ đô Cairo, Ai Cập.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết EU sẽ nghiên cứu và đánh giá những đề xuất của Tổng thống Trump dựa trên cam kết đối với giải pháp hai nhà nước có tính đến “những nguyện vọng chính đáng của cả Israel và Palestine."
Phát biểu sau cuộc gặp với một số phe phái Palestine tại Bờ Tây, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kịch liệt phản đối kế hoạch Mỹ vừa công bố.
Ông khẳng định: "Jerusalem không phải để bán" và lưu ý đây là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Ông nhấn mạnh "thỏa thuận ngầm này" sẽ không thành hiện thực, đồng thời cam kết ngăn cản kế hoạch này bằng mọi biện pháp.
Tương tự, phong trào Hezbollah của Liban cho rằng kế hoạch hòa bình Trung Đông thể hiện âm mưu “xóa bỏ mọi quyền lợi của người dân Palestine,” đồng thời chỉ trích “động thái đáng hổ thẹn này lẽ ra không được thực hiện nếu không có sự đồng lõa và phản bội của một số chế độ Arab."
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố vương quốc này “đánh giá cao” những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm xây dựng một kế hoạch hòa bình Trung Đông, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp.
Bộ trên nhấn mạnh mọi bất đồng về kế hoạch hòa bình Trung Đông nên được giải quyết thông qua các cuộc thương lượng với sự bảo trợ của Mỹ.
[Mỹ: Đảng Dân chủ phản ứng trái chiều với Kế hoạch hòa bình Trung Đông]
Trong khi đó, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã gọi điện cho Tổng thống Palestine Abbas, trong đó khẳng định quan điểm không thay đổi của vương quốc này là sát cánh cùng người dân Palestine cũng như ủng hộ quyền lợi của họ.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố Chính phủ LB Nga sẽ nghiên cứu kế hoạch nói trên, đồng thời kêu gọi Palestine và Israel đàm phán trực tiếp nhằm tìm ra một giải pháp có thể được các bên chấp thuận.
Trước đó, Tổng thống Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông mà ông cho rằng đó là một bước tiến lớn đối với hòa bình ở Trung Đông. Bản kế hoạch này đưa ra chi tiết về cách thức mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ giải quyết những thách thức chính trị kéo dài trong nhiều năm qua giữa Israel và Palestine.
Theo nội dung của kế hoạch hòa bình này, nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine, theo đó thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, tùy thuộc vào những bước đi mà người Palestine sẽ thực hiện để trở thành một chính quyền tự quản. Đồng thời, Jerusalem sẽ tiếp tục là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Israel./.