Dư luận quốc tế phản đối cuộc trưng cầu của người Kurd tại Iraq

Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) ở miền Bắc Iraq.
Dư luận quốc tế phản đối cuộc trưng cầu của người Kurd tại Iraq ảnh 1Người Kurd bỏ phiếu tham gia cuộc trưng cầu ý dân ở thành phố Kirkuk, miền bắc Iraq ngày 25/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) ở miền Bắc Iraq.

Ngay sau khi diễn ra cuộc trưng cầu ngày 25/9, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố Chính phủ Iraq sẽ không tiến hành đàm phán với KRG về kết quả cuộc trưng cầu do đây là cuộc trưng cầu "trái hiến pháp."

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc​ Antonio Guterres​ bày tỏ quan ngại về "những hệ lụy tiềm ẩn nguy cơ bất ổn" liên quan đến cuộc trưng cầu về độc lập của cộng đồng người Kurd.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric​ cho biết Tổng Thư ký tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của đất nước Iraq và cho rằng những vấn đề còn tồn tại giữa chính phủ liên bang và chính quyền khu vực người Kurd nên được giải quyết thông qua đối thoại và thỏa hiệp mang tính xây dựng.

Mỹ tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân của cộng đồng người Kurd tại Iraq làm "gia tăng bất ổn."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ Mỹ thất vọng về việc Chính quyền khu vực người Kurd quyết định đơn phương tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập, bao gồm cả các khu vực bên ngoài khu vực người Kurd tại Iraq.

Mối quan hệ lịch sử của Mỹ với người dân khu vực người Kurd tại Iraq sẽ không thay đổi vì cuộc trưng cầu không được thừa nhận và Washington tin rằng bước đi này sẽ làm gia tăng bất ổn và khó khăn cho khu vực người Kurd và người dân tại nơi đây.

[Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo người Kurd về khả năng can thiệp quân sự]

Trong khi đó, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn chưa kết thúc và các thế lực cực đoan đang tiếp tục tìm cách lợi dụng sự bất ổn và mối bất hòa.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cảnh báo về khả năng can thiệp quân sự vào miền Bắc Iraq nếu người thiểu số Turkmenistan tại Iraq bị tấn công sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập.

Phát biểu phỏng vấn trên trên kênh truyền hình địa phương AHaber, ông Cavusoglu cho hay: "Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ can thiệp ngay lập tức nếu người anh em Turkmenistan của chúng ta bị tấn công."

Trước đó, Bộ Ngoại giao cũng phát đi một tuyên bố cảnh báo Ankara sẽ "tiến hành mọi biện pháp" theo luật pháp quốc tế nếu cuộc trưng cầu có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định nước này và Iraq sẽ tiến hành tập trận chung tại Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực giáp với khu bán tự trị của người Kurd Iraq. Theo đó, quân đội đã công bố “giai đoạn” mới của cuộc tập trận, trong đó các đơn vị quân đội Iraq tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tối 25/9 để tham gia tập trận chung.

Bộ Quốc phòng nước này cho biết cuộc tập trận sẽ bắt đầu từ ngày 26/9, sau khi kết thúc cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi về khả năng tách khỏi Iraq, điều mà cả Baghdad và Ankara đều phản đối.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan​ từng tuyên bố can thiệp quân sự vào Iraq nhằm đáp trả cuộc bỏ phiếu này, đồng thời nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận người Kurd lập quốc gia riêng.

Ngoài ra, Tổng thống Erdogan cũng đe dọa sẽ cắt đứt tuyến đường vận chuyển dầu từ khu vực miền Bắc Iraq đi qua nước này nhằm gia tăng áp lực lên chính quyền khu tự trị người Kurd.

  

Nga và Iran cũng lên tiếng về diễn biến chính trị mới này tại Iraq. Dẫn thông báo sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/9, Hãng thông tấn IRNA cho biết Iran và Nga ủng hộ chính phủ Iraq và toàn vẹn lãnh thổ Iraq.

Tổng thống Rouhani cho rằng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và sự không thể thay đổi về đường biên giới giữa các nước trong khu vực có vai trò quan trọng đối với Iran, đồng thời kêu gọi các quốc gia trong khu vực hợp tác và phối hợp vì mục đích này.

Trong khi đó, Tổng thống Putin nêu rõ: "Chính phủ Nga ủng hộ chính quyền trung ương Baghda và toàn vẹn lãnh thổ Iraq."

Về phần mình, Thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu đã yêu cầu các quan chức chính quyền không bình luận về cuộc trưng cầu do vấn đề này “quá nhạy cảm.”

Trước đó, ngày 13/9, ông Netanyahu tuyên bố ủng hộ cuộc trưng cầu này, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Israel vốn có quan hệ kín đáo trong lĩnh vực quân sự, tình báo và buôn bán với người Kurd từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, coi nhóm dân tộc thiểu số đang sống phân tán tại Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran như "vùng đệm" chống lại các kẻ thù chung. Trong quá khứ, Israel cũng từng ủng hộ nguyện vọng giành độc lập của người Kurd.

Ngày 25/9, cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq đã tiến hành cuộc trưng cầu về độc lập gây nhiều tranh cãi. Báo cáo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì sự kiện này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.