Dư luận tiếp tục phản ứng về kết quả bỏ phiếu thỏa thuận Brexit

Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds cho rằng "Một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 sẽ gây chia rẽ. Chúng ta đã tiến hành trưng cầu và giờ chúng ta cần tiếp tục thực hiện điều này."
Dư luận tiếp tục phản ứng về kết quả bỏ phiếu thỏa thuận Brexit ảnh 1Người dân tuần hành ủng hộ và phản đối Brexit bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/1, Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds khẳng định chính phủ nước này không có kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng các bộ trưởng Anh đang xem xét tổ chức một cuộc trưng cầu như vậy để phá vỡ thế bế tắc hiện nay xung quanh vấn đề Brexit.

Trả lời phỏng vấn Sky News, ông Hinds nêu rõ: "Một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 sẽ gây chia rẽ. Chúng ta đã tiến hành trưng cầu và giờ chúng ta cần tiếp tục thực hiện điều này."

Ông Hinds mô tả thỏa thuận rời EU của Thủ tướng Anh Theresa May là một văn kiện "cân bằng" mà các nghị sỹ cần ủng hộ.

Cùng ngày, hãng tin Sky đưa tin một nhóm gồm 71 nghị sỹ thuộc Công đảng đối lập của Anh trong một bức thư đã kêu gọi lãnh đạo đảng này Jeremy Corbyn thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về Brexit. Động thái này diễn ra sau khi Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận về Brexit của Thủ tướng May rạng sáng cùng ngày.

Hiện Công đảng giữ lập trường ưu tiên trước hết là thúc đẩy việc tổ chức bầu cử trước thời hạn, song nếu điều này không xảy ra thì muốn duy trì khả năng tiến hành lại cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong EU.

[Thủ tướng Pháp, Đức nói gì sau khi Hạ viện Anh bác thỏa thuận Brexit]

Liên quan thỏa thuận Brexit, người phụ trách chính sách tài chính của Công đảng John McDonnel cho rằng nếu Thủ tướng May thương lượng với đảng này thì thỏa thuận đã có thể vượt qua ải Quốc hội. Ông nêu rõ Công đảng sẽ ủng hộ bà May nếu bà nhất trí để Anh ở lại vĩnh viễn trong liên minh thuế quan với EU.

Cùng ngày 16/1, Điều phối viên Brexit của Nghị viện châu Âu (EP) Guy Verhofstadt khẳng định các đảng chính trị ở Anh cần phải vượt qua những lợi ích của chính mình và hợp tác về một giải pháp Brexit mà tất cả đều ủng hộ. Quan chức này cho rằng EU sau cùng cũng sẵn sàng dàn xếp với London về một thỏa thuận mới.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẽ không “vui mừng” trước "cuộc chia tay" giữa Anh và EU, đồng thời bày tỏ mong muốn EU trở thành một khối đoàn kết và vững mạnh.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, cho biết sự ổn định và phát triển của Anh và EU đem lại lợi ích cho tất cả các bên, do đó Chính phủ Trung Quốc hy vọng tiến trình Brexit có thể diễn ra một cách vững chắc và trình tự.

Người phát ngôn này nhấn mạnh chính sách của Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ với EU và Anh sẽ không thay đổi.

Trước đó, với tỷ lệ 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống, Hạ viện Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo EU đã nhất trí hồi cuối năm ngoái.

Điều này đã gây ra sự xáo trộn trên chính trường Anh, thậm chí có thể đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016 về việc Anh rời khỏi EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.