Chỉ ít ngày trước, tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) của Mỹ loan tin rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định giảm mạnh số lượng hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ ở Trung Đông trong một đợt tái cơ cấu hiện diện quân sự trong khu vực.
Tuy nhiên, các quan chức vùng Vịnh và Mỹ sau đó đã tỏ thái độ "xem nhẹ" thông tin này, mặc dù không có thông báo chính thức nào được đưa ra.
Theo bài phân tích mới đây trên tuần báo Al-Ahram (Ai Cập), sự thận trọng như vậy là điều có thể hiểu được bởi vì số lượng và vị trí của các tên lửa cần được giữ bí mật nếu không muốn kẻ thù lợi dụng những thông tin này.
Các chuyên gia quân sự cho rằng việc di chuyển hay rút quân đội và vũ khí cần phải được đặt trong bối cảnh phù hợp; và các báo cáo như vậy đôi khi có thể được sử dụng để thử phản ứng và chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Trích dẫn một nguồn tin giấu tên trong quân đội Mỹ, báo cáo của WSJ gọi động thái này là sự “tái cơ cấu lớn” đối với sự hiện diện của quân đội Mỹ, cho dù Washington chỉ di chuyển 8 khẩu đội tên lửa Patriot ra khỏi Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Jordan.
Trong khi đó, một nguồn tin vùng Vịnh chia sẻ rằng bất kỳ hoạt động dịch chuyển vũ khí hoặc binh sỹ Mỹ nào trong khu vực đều không ảnh hưởng đến năng lực phòng thủ của những quốc gia vùng Vịnh.
[Lầu Năm Góc thông báo cắt giảm quy mô quân sự tại Trung Đông]
Bên cạnh đó, Mỹ vẫn duy trì các khẩu đội THAAD (Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối), thậm chí còn phát huy hiệu quả hơn cả Patriot. Nguồn tin cho biết công ty quốc phòng Raytheon của Mỹ, nhà sản xuất tên lửa Patriot, đang gặp trục trặc về dây chuyền sản xuất, vì vậy đợt tái triển khai lực lượng này có thể nhằm tạm thời giải quyết vấn đề trên.
Mặt khác, báo cáo của WSJ dẫn một nguồn tin Lầu Năm Góc nói rằng các khẩu đội tên lửa được thu hồi nhằm mục đích bảo trì. Báo cáo cũng lưu ý rằng 2 trong số 3 cuộc thử nghiệm bay nhằm tích hợp hệ thống tên lửa Patriot và THAAD đã thất bại do các vấn đề về phần mềm.
Đáng chú ý, động thái rút các khẩu đội tên lửa diễn ra cùng lúc với việc chính quyền Biden nhanh chóng đưa quân khỏi Afghanistan và nhiều địa điểm khác trong khu vực, đồng thời làm dấy lên những đồn đoán từ giới quan sát Trung Đông.
Nhà bình luận Saudi Arabia, ông Abdul-Aziz Alkhames, chia sẻ với tuần báo Al-Ahram rằng quyết định của Mỹ dường như xuất phát từ một sức ép địa chính trị. Điều này có thể thúc đẩy các nước vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia, đa dạng hóa hoạt động mua sắm quân sự.
Chính quyền Riyadh có thể tìm đến Trung Quốc, Nga hoặc bất kỳ nhà cung cấp quân sự tiềm năng nào khác. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ có thể đang thử nghiệm và cho đến nay vẫn chưa có sự rút lại đáng kể hỗ trợ quân sự cho các đồng minh vùng Vịnh.
Ở một góc nhìn khác, động thái của Mỹ có thể củng cố mong muốn hợp tác khu vực trong các ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, đặc biệt là giữa Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Điều này có thể song hành cùng các quan hệ đối tác không nhất thiết chỉ "gói gọn" với Mỹ mà còn với Nga, Trung Quốc và các bên khác, qua đó thúc đẩy sản xuất trong nước.
Saudi Arabia và UAE hiện phát triển mối quan hệ bền chặt với Hàn Quốc và Pháp, đồng thời đang hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) để có thể giúp tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng của cả hai quốc gia vùng Vịnh này.
Tin tức từ Mỹ cũng được phát đi vào thời điểm căng thẳng leo thang khi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn liên tục nhằm vào Saudi Arabia từ Yemen.
Mặc dù thực tế là tên lửa Patriot không được sử dụng để chống lại máy bay không người lái, nhưng chúng giúp ngăn chặn các tên lửa vượt qua biên giới. Đó là lý do tại sao lực lượng Houthi gần đây gia tăng các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái.
Tuy nhiên, hệ thống phòng không của Saudi Arabia đã rất hiệu quả trong việc bắn hạ bất cứ thứ gì bay đến từ phía Nam.
Hoạt động mua sắm quân sự của các nước vùng Vịnh trong những năm gần đây đã giúp củng cố năng lực phòng thủ, khiến họ có khả năng tự bảo vệ mình ở mức độ lớn hơn. Ngay cả khi tin tức Mỹ điều chỉnh quy mô hiện diện quân sự trong khu vực thì điều đó cũng không có nhiều ý nghĩa.
Chuyên gia Andrew Hammond thuộc trường Đại học Oxford cho rằng động thái của Mỹ không gây bất ngờ cho các nước vùng Vịnh. Thực tế là hệ thống phòng thủ bổ sung chỉ được đặt ở Saudi Arabia như một động thái chính trị nhằm che đậy thực tế rằng cựu Tổng thống Donald Trump chỉ đang răn đe Iran sau vụ tấn công cơ sở lọc dầu của tập đoàn Aramco hồi tháng 9/2019 hay vụ Mỹ ám sát Tướng Qasem Soleimani đầu năm 2020.
Đánh giá về khả năng những thông tin rò rỉ mà WSJ nắm được thông qua giới chức quân sự Mỹ có liên quan tới cách tiếp cận mới giữa Washington với Tehran hay không, chuyên gia Hammond cho rằng điều này không xuất phát từ sức ép của Iran và đó hoàn toàn là mục đích chính trị. Mỹ có thể không còn nhìn nhận khu vực đang trong tình thế xung đột nghiêm trọng.
Họ cho rằng Saudi Arabia và Iran sẽ giải quyết các vấn đề của mình, hoặc có thể kiểm soát được các bất đồng song phương.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác là các phương tiện truyền thông vùng Vịnh, vốn đôi khi được sử dụng để phản ánh quan điểm của các chính phủ mà không cần thông báo chính thức, lại hoàn toàn “xem nhẹ” thông tin điều chuyển quân sự của Mỹ trong khu vực./.