Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ngân hàng Trung ương Iraq vừa cho biết dự trữ ngoại hối của nước này dự kiến sẽ tăng hơn 12% lên 90 tỷ USD vào cuối năm nay, nhờ giá dầu thô ngày càng gia tăng trên các thị trường quốc tế.
Hãng thông tấn nhà nước INA ngày 21/8 dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iraq Ammar Khalaf cho biết tổng dự trữ ngoại hối của quốc gia Trung Đông này hiện đạt hơn 80 tỷ USD, trong khi dự trữ vàng đã tăng lên hơn 131 tấn.
[Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Iraq đạt mức cao nhất 50 năm qua]
Giá dầu mỏ, vốn đã tăng hơn 67% trong năm ngoái nhờ đà phục hồi nhanh hơn dự kiến của nền kinh tế toàn cầu, đã diễn biến cực kỳ bất ổn trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm 2022 tới nay sau khi giảm từ mức cao nhất trong 14 năm qua là gần 140 USD/thùng vào tháng 3/2022.
Giá loại dầu này đã nhích 0,13% lên 96,72 USD/thùng vào cuối phiên giao dịch 19/8. Còn giá dầu WTI tăng 0,3%, chốt phiên cuối tuần qua ở mức 90,77 USD/thùng.
Là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Iraq phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ dầu mỏ để đáp ứng 90% chi tiêu của chính phủ.
Vào tháng 7/2022, nhà chức trách Iraq thông báo đã phát hiện một số giếng dầu mới ở tỉnh Anbar, miền Tây Iraq.
Nước này hiện xuất khẩu trung bình 3,3 triệu thùng dầu/ngày, trong khi sản lượng dầu tại khu vực bán tự trị của người Kurd ở miền Bắc hiện đạt trên 450.000 thùng/ngày.
Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 5,9% trong năm 2021, kinh tế Iraq được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt 9,5% và 5,7% trong năm 2022 và 2023 nhờ giá dầu được giao dịch ở mức cao hơn./.