Dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ giảm mạnh khiến giá dầu thế giới đi lên

Chốt phiên, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 42 xu (0,5%) lên 85,08 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 69 xu (0,85%) lên 82,10 USD/thùng.

Kho dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Kho dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 10/7, giá dầu thế giới đi lên sau thống kê cho thấy dự trữ xăng và dầu thô giảm mạnh hơn dự kiến.

Tuy nhiên, mối lo ngại dịu bớt về tác động của bão Beryl đã kiềm chế đà tăng của hàng hóa này.

Chốt phiên, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 42 xu (0,5%) lên 85,08 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 69 xu (0,85%) lên 82,10 USD/thùng.

Phiên này, giá dầu WTI có lúc đã tăng tới 1 USD, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng xuống 445,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/7, vượt xa dự báo của các nhà phân tích trước đó về mức giảm 1,3 triệu thùng.

Dự trữ xăng giảm 2 triệu thùng xuống 229,7 triệu thùng, lớn hơn nhiều so với dự báo giảm 600.000 thùng của các nhà phân tích.

Nhà phân tích Phil Flynn tại công ty môi giới Price Futures Group cho rằng số liệu từ EIA là nhân tố đẩy giá dầu lên cao hơn.

Cả hai hợp đồng dầu thô kỳ hạn đều giảm trong ba phiên trước do những dấu hiệu cho thấy ngành năng lượng Texas tương đối bình yên sau cơn bão Beryl.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ông chưa sẵn sàng tuyên bố lạm phát đã được kiểm soát, nhưng Mỹ vẫn đang trên đà ổn định giá cả và tiếp tục duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng Chín.

Kịch bản này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Theo chuyên gia kinh tế Tim Snyder tại Matador Economics, rủi ro địa chính trị ít tác động đến giá cả, khi các nhà đầu tư phần nào mệt mỏi với các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn tại Gaza và xung đột tại Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.