Đưa thị trường lao động Việt Nam phát triển linh hoạt, bền vững

Sau thời kỳ hậu đại dịch, thị trường lao động đang hướng tới sự phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Người lao đông làm việc tại Công ty TNHH May mặc Dony, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trải qua hai năm khó khăn chưa từng có đại dịch COVID-19, năm 2022, thị trường lao động Việt Nam dần phục hồi nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã góp phần giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, từ đó, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Sau thời kỳ hậu đại dịch, thị trường lao động đang hướng tới sự phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế…

Phục hồi trong thời kỳ hậu COVID-19

Tại Hà Nội, những tác động của đại dịch COVID-19 suốt hai năm qua gây ra nhiều áp lực trong việc đảm bảo đời sống người dân, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, người lao động bị mất việc làm, đối tượng bảo trợ xã hội.

Thế nhưng, bằng tinh thần quyết tâm, quyết liệt cùng nhiều giải pháp, biện pháp linh hoạt, năm 2022, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nổi bật là kinh tế phục hồi phát triển nhanh, tăng trưởng đạt gần 9%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán, đạt hơn 330 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hồng Sơn, cùng với tập trung các nhiệm vụ phát triển kinh tế, thành phố Hà Nội tập trung đảm bảo an sinh xã hội với quan điểm chăm lo an sinh xã hội tương xứng và đồng bộ với tăng trưởng kinh tế.

Công tác an sinh xã hội nói chung, công tác lao động, người có công và xã hội nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, tình hình lao động việc làm có biến động suy giảm. Hà Nội đã tạo việc làm mới cho hơn 200 nghìn người lao động.

Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,1% với 16/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm quý 4/2022, mặc dù đã được khống chế nhưng những tác động của đại dịch vẫn tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh không tránh khỏi những khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, đầu tàu kinh tế của cả nước vẫn có tốc độ tăng trưởng nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước.

Kết thúc năm 2022, thành phố thực hiện được 14 trong số 19 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó kinh tế tăng trưởng đạt 9,03%. Con số ấn tượng này đã thể hiện sức sống mạnh mẽ của Thành phố, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, sự chung sức đồng lòng, bằng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã đem lại hiệu quả thực tế.

Đi vào cụ thể từng lĩnh vực, sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế đầu tàu đã được minh chứng qua nhiều chỉ số vĩ mô tốt, đầy thuyết phục, nhất là việc thành phố đã giải quyết việc làm cho 315.612 lượt người, vượt 5,3% kế hoạch năm, trong đó có 141.312 lao động có việc làm mới.

Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo thực hiện là 161.676 người lao động được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận, vượt 38,38% kế hoạch năm. Thành phố thực hiện giảm 16.154 hộ nghèo và giảm 9.723 hộ cận nghèo, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4%.

Năm 2022, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước đã từng bước phục hồi và phát triển trong thời kỳ hậu COVID-19 dưới sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ.

Đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, niềm tin xã hội, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn hơn.

[Thị trường lao động năm 2023: Cần duy trì nguồn nhân lực có tay nghề]

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhìn nhận, sự phục hồi, phát triển này có vai trò quan trọng từ các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Các chính sách đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế.

Thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực

Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu quý 4/2022 đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ...

Để kịp thời ổn định tình hình, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất giày Gia Định, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bên cạnh đó, thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được ổn định và mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài được tăng cường.

Trong năm 2022, Việt Nam đã đưa gần 143 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt gần 60% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường lao động Việt Nam thực tế vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều.

Tỷ lệ thất nghiệp chung thấp nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao; cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế; còn xảy ra tình trạng mất cân đối cung-cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề.

Chất lượng việc làm thấp, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động.

Trước những thách thức trên, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế, vận hành linh hoạt nhằm kết nối cung-cầu lao động, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 6/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội; thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức của kinh tế trong và ngoài nước; tăng cường kết nối và điều tiết cung-cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức, như vấn đề già hóa dân số. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo dự báo, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề quan trọng là thị trường lao động.

Thách thức khác đến từ vấn đề việc làm phi chính thức. Thực tế, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương…

Những thách thức đó buộc người làm chính sách, điều hành phải thay đổi tư duy để phản ứng nhanh và chính xác để phù hợp với xu thế của thời đại. Bộ đã yêu cầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần phải chủ động đổi mới tư duy, đổi mới phương thức làm việc, chủ động trong công tác dự báo, linh hoạt ứng phó với những biến động có thể xảy ra.

Về lâu dài, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục