Đức, Ba Lan và Đan Mạch đau đầu đối phó vấn đề người tị nạn

Vấn đề người tị nạn là nội dung bao trùm các cuộc gặp giữa Tổng thống Balan và Tổng thống Đức, giữa Tổng thống Đức và Thủ tướng Đan Mạch.
Đức, Ba Lan và Đan Mạch đau đầu đối phó vấn đề người tị nạn ảnh 1Người nhập cư trái phép chờ đợi được đăng ký bên ngoài một đồn cảnh sát ở đảo Kos, Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại buổi hội đàm với Tổng thống Balan Andrei Duda ngày 28/8 tại Berlin, Tổng thống Đức Joachim Gauck đã một lần nữa đề nghị chính phủ Ba Lan sớm ủng hộ các thỏa thuận có tính ràng buộc về việc tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu.

Theo Tổng thống Gauck, xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu hiện nay không phải là vấn đề riêng lẻ của từng quốc gia mà cần sự phối hợp thống nhất chung toàn khu vực.

Ba Lan hiện là một trong số những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cương quyết phản đối việc áp đặt một tỷ lệ có tính ràng buộc về phân bổ người tị nạn giữa các nước EU.

Theo ông Duda, Ba Lan đang phải gánh chịu nhiều tổn thất kinh tế do cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia láng giềng Ukraine cũng như bản thân Ba Lan đang phải tiếp nhận làn sóng người tị nạn lớn từ Ukraine nên nước này không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn từ Syria hay các nước Tây Balkan.

Ông Duda kêu gọi cần có các giải pháp hiệu quả xử lý tận gốc nguyên nhân của làn sóng tị nạn ở các nước xuất phát điểm cũng như các băng nhóm tội phạm buôn người.

Về quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh mong muốn tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị và bền chặt giữa Đức và Ba Lan, trong đó hướng tới xây dựng quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Cùng ngày, tại buổi hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Lars Rasmussen tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao những nỗ lực của Đan Mạch trong xử lý vấn đề người tị nạn và khẳng định Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Đan Mạch để giải quyết chủ đề nóng này.

Lãnh đạo chính phủ hai nước Đức và Đan Mạch cũng thảo luận về nhiều chủ đề quốc tế, trong đó có việc Đan Mạch đang duy trì lực lượng giữ ổn định tình hình ở Afghanistan hay sự phối hợp song phương trong xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine.

Về hội nghị khí hậu toàn cầu tại Paris cuối năm nay, hai nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ thành công và Đức cùng Đan Mạch thống nhất quan điểm về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đan Mạch và hiện có tới 2000 doanh nghiệp Đan Mạch có chi nhánh tại Đức. Các dự án hạ tầng giao thông đường bộ và đường biển lớn nối hai quốc gia láng giềng này cũng đóng vai trò quan trong trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương.

Năm 2015 cũng năm kỷ niệm 60 năm ngày ký Tuyên bố Bonn-Copenhagen về củng cố quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Đức và Đan Mạch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.