Đức bác bỏ lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ về việc miễn thị thực

Đức ngày 2/8 đã bác lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ về việc rút khỏi thỏa thuận người di cư với EU nếu EU không giữ đúng cam kết miễn thị thực cho người dân nước này, bắt đầu từ tháng 10 tới.
Đức bác bỏ lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ về việc miễn thị thực ảnh 1Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier. (Nguồn: dw.com)

Đức ngày 2/8 đã bác lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ về việc rút khỏi thỏa thuận người di cư với Liên minh châu Âu (EU) nếu EU không giữ đúng cam kết miễn thị thực cho người dân nước này, bắt đầu từ tháng 10 tới.

Trả lời báo giới về khả năng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây áp lực với EU liên quan tới thỏa thuận người tị nạn hay không, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng "đây là sự vô lý."

Ông Steinmeier nhấn mạnh thực tế rằng có nhiều điều kiện cần xem xét liên quan tới chính sách miễn thị thực và "ai cũng biết điều này."

Ngoại trưởng Đức tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết áp dụng các bước đi cần thiết để thực hiện thỏa thuận di cư. Thỏa thuận này hiện đang trong quá trình thực hiện, do đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hành động để giữ đúng cam kết.

Trước đó 1 ngày, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cũng khẳng định Đức hay EU sẽ không để Thổ Nhĩ Kỳ "hăm dọa" liên quan tới thỏa thuận di cư.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo Ankara sẽ rút khỏi thỏa thuận về người di cư với EU nếu khối này không đáp ứng yêu cầu miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi tháng 3 vừa qua, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư đang ồ ạt đổ tới châu Âu, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận lại những người di cư trái phép ở châu Âu, đổi lại EU phải nhượng bộ Ankara về tài chính và chính trị, trong đó có việc miễn thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.

Tuy nhiên, quá trình miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị trì hoãn do giới chức EU quan ngại trước hàng loạt hành động trấn áp của chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi giữa tháng trước.

Kể từ vụ đảo chính đến nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hoặc sa thải hơn 60.000 người bao gồm các tướng lĩnh, binh sỹ, cảnh sát, thẩm phán và công tố viên và nhân viên nhà nước do bị tình nghi có liên quan đến vụ đảo chính bất thành này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.