Đức bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường chiến tranh của Hy Lạp

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Sigmar Gabriel ngày 7/4 đã phản đối việc Hy Lạp đòi Đức bồi thường số tiền lên tới 278,7 tỷ euro.
Đức bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường chiến tranh của Hy Lạp ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Sigmar Gabriel. (Nguồn: Reuters.com)

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Sigmar Gabriel ngày 7/4 đã phản đối việc Hy Lạp đòi Đức bồi thường số tiền lên tới 278,7 tỷ euro cho thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Hy Lạp trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Phát biểu tại thủ đô Berlin, ông Gabriel cho rằng yêu sách trên của Hy Lạp là "thực sự ngờ nghệch," đồng thời khẳng định rằng đòi hỏi của Hy Lạp chỉ càng làm mất thời gian của các đối tác Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tiến trình đàm phán nhằm giúp Athens thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng hiện nay.

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức cũng cho rằng không có sự liên quan giữa việc Hy Lạp muốn các đối tác Eurozone giúp giải quyết khủng hoảng nợ với vấn đề đòi bồi thường chiến tranh từ Đức.

Theo Gabriel, mọi vấn đề liên quan tới bồi thường chiến tranh đã được giải quyết theo thoả thuận chính thức về bồi thường chiến tranh của nhóm 2+4 (CHLB Đức/CHDC Đức cùng với Mỹ, Anh, Pháp, Nga) khi nước Đức thống nhất năm 1990, do đó Berlin sẽ không quay lại vấn đề này.

Người phát ngôn Bộ Tài chính Đức cũng xác nhận lập trường của chính phủ về vấn đề bồi thường trên là không thay đổi.

Theo thoả thuận bồi thường trước đây, Đức đã trả cho Hy Lạp 115 triệu Mark Đức (tương đương 59 triệu euro hiện nay) hồi năm 1960. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho rằng đây mới là khoản bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh chứ chưa phải là sự bồi thường cho những tổn thất mà Đức Quốc xã gây ra khi chiếm đóng Hy Lạp trong khoảng thời gian từ năm 1941-1944./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.