Đức bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường chiến tranh của Hy Lạp

Chính phủ Đức đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Hy Lạp đòi nước này bồi thường khoản tiền gần 280 tỷ euro cho những thiệt hại mà phátxít Đức gây ra trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Đức bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường chiến tranh của Hy Lạp ảnh 1Phátxít Đức chiếm đóng Hy Lạp giai đoạn 1941-1944. (Nguồn: Getty Images)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 10/10, Chính phủ Đức đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Hy Lạp đòi nước này bồi thường khoản tiền gần 280 tỷ euro (khoảng 323 tỷ USD) cho những thiệt hại mà phátxít Đức gây ra trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định vấn đề bồi thường đã được giải quyết cả về mặt pháp lý và chính trị.

Tuyên bố này được ông Steffen Seibert đưa ra trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tới Hy Lạp.

[Ngoại trưởng Gabriel: Đức đã bồi thường chiến tranh cho Ba Lan]

Trước đó, tạp chí Tấm gương (Der Spiegel) của Đức đưa tin Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos có kế hoạch sẽ nêu vấn đề bồi thường Chiến tranh Thế giới thứ 2 trong cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Athens.

Kể từ năm 2015 đến nay, giới chức Hy Lạp nhiều lần tuyên bố Đức đang nợ Hy Lạp khoảng 280 tỷ euro tiền bồi thường cho những tổn thất mà nước này phải hứng chịu trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong khoản tiền trên có tiền bồi thường cho thân nhân của các nạn nhân trong chiến tranh cũng như các khoản bồi thường thiệt hại cho hệ thống cơ sở hạ tầng ở nước này bị phá hủy trong thời chiến.

Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã nhiều lần khẳng định quan điểm rằng nước này không có trách nhiệm pháp lý để tiếp tục bồi thường cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và mọi vấn đề liên quan đã được giải quyết theo các thỏa thuận quốc tế trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.