Đức "bật đèn xanh" truy tố người xúc phạm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Đức cho rằng đề nghị truy tố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đối với người dẫn chương trình Jan Böhmermann thuộc kênh ZDF của Đức là "phù hợp."
Đức "bật đèn xanh" truy tố người xúc phạm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Dẫn chương trình Jan Böhmermann. (Nguồn: web.de)

Chính phủ Đức ngày 15/4 cho rằng đề nghị truy tố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đối với người dẫn chương trình Jan Böhmermann thuộc kênh ZDF của Đức là "phù hợp."

Sau quá trình xem xét kỹ đề nghị truy tố đối với ông Böhmermann, Thủ tướng Merkel thông báo Chính phủ Đức đồng ý uỷ quyền cho giới chức tư pháp Đức tiến hành điều tra, truy tố đối với người dẫn chương trình Böhmermann với cáo buộc người này có thể đã xúc phạm Tổng thống Erdogan.

Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh tại Đức, không phải chính phủ mà cơ quan tư pháp mới là bên có "tiếng nói cuối cùng" và việc uỷ quyền truy tố ông Böhmermann không phải là sự phán xét của chính phủ.

Bà Merkel cũng bày tỏ lo ngại về sự hạn chế quyền tự do báo chí, tự do hội họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị Ankara phải tôn trọng các quyền cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Phản ứng ngay sau tuyên bố của bà Merkel, Trưởng đoàn nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Thomas Oppermann đã chỉ trích quyết định sai lầm của Chính phủ Đức liên quan trường hợp của ông Böhmermann, cho rằng việc truy tố một người châm biếm vì tội "phạm thượng" không phù hợp trong một nền dân chủ hiện đại.

Trước đó, trong một chương trình truyền hình châm biếm trên kênh ZDF, ông Böhmermann đã đọc một bài thơ chế giễu Tổng thống Erdogan nhằm thể hiện giới hạn khác biệt của tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do nghệ thuật giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan đã nộp đơn kiện người dẫn chương trình lên toà án Đức ở Mainz, đồng thời đề nghị Chính phủ Đức ủng hộ truy tố người này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.