Đức: Biểu tình bạo lực ở Leipzig phản đối các biện pháp chống COVID-19

Những người tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn ở thành phố Leipzig để phản đối các biện kiềm chế sự lây lan của COVID-19 đã thực hiện hàng chục vụ tấn công nhà báo và cảnh sát.
Đức: Biểu tình bạo lực ở Leipzig phản đối các biện pháp chống COVID-19 ảnh 1Những người tham gia cầm biểu ngữ trong cuộc biểu tình do tổ chức Querdenken tổ chức. (Nguồn: AFP)

Các chính trị gia Đức ngày 8/11 đã lên án tình trạng "kích động cực hữu" sau khi trên 20.000 người xuống đường biểu tình bạo lực ở thành phố Leipzig, bang Sachsen, để phản đối các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 của chính quyền.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong một bài đăng trên tài khoản Twitter, Bộ trưởng Tư pháp liên bang Christine Lambrecht nhấn mạnh không điều gì có thể biện minh cho vụ việc xảy ra ở Leipzig, đồng thời lên án việc quay lưng lại với khoa học, kích động cực hữu và các hành động tấn công cảnh sát và báo chí xảy ra ở thành phố miền Đông nước Đức.

Sau khi người biểu tình vi phạm về số lượng đăng ký tham gia, đa số không đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m, cảnh sát đã phải tiến hành giải tán đám đông biểu tình.

Tuy nhiên, thay vì rời đi, người biểu tình tiếp tục tụ tập kéo vào những đường phố chính ở Leipzig, tấn công, ném các đồ vật về phía cảnh sát và nhà báo.

Trên 30 người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ.

[Dịch COVID-19: Nhiều nước châu Âu ghi nhận thêm hàng chục nghìn ca mắc]

Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Hiến pháp Đức đảm bảo quyền biểu tình, song những kẻ gây nguy hiểm cho người khác, tấn công cảnh sát và nhà báo, reo rắc sự thù hận cực hữu và đốt phá sẽ nằm ngoài quyền được bảo vệ.

Trong khi đó, Thủ hiến bang Sachsen, ông Michael Kretschmer cũng đã lên án các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Leipzig trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ở mức nguy hiểm hiện nay, đồng thời cho biết sẽ thảo luận về khả năng siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Thị trưởng thành phố Leipzig Burkhard Jung một mặt chỉ trích các cuộc biểu tình, mặt khác phê phán các biện pháp phòng chống COVID-19 một cách "nửa vời" của chính quyền bang, bởi trong khi du khách bị cấm được nghỉ qua đêm ở khách sạn, song lại không cấm những cuộc tụ tập biểu tình.

Theo cảnh sát, trên 20.000 người từ khắp nơi ở Đức đã tới tham gia biểu tình ở thành phố Leipzig ngày 7/11 để phản đối các biện kiềm chế sự lây lan của COVID-19.

Cảnh sát đã ghi nhận trên 100 vụ phạm tội, trong đó có 13 vụ xâm hại người khác và 32 vụ tấn công nhà báo.

Nguy hiểm hơn, còn có một số người mang theo cờ, biểu ngữ ủng hộ tư tưởng phátxít mới và tư tưởng cực hữu cũng tham gia biểu tình.

Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Đức đã trải qua một tuần đóng cửa từng phần để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khi mỗi ngày có trên dưới 20.000 người nhiễm mới, trong khi số người chết cũng tăng mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.