Đức cam kết hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas công du Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Pakistan, Tajikistan và Qatar nhằm thúc đẩy các nỗ lực sơ tán những người cần được bảo vệ ra khỏi Afghanistan.
Đức cam kết hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/9, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cam kết sẽ hỗ trợ cho các nước láng giềng của Afghanistan khi ông bắt đầu chuyến công du 5 nước trong 4 ngày nhằm mục đích chính là thúc đẩy các nỗ lực sơ tán những người cần được bảo vệ ra khỏi quốc gia Tây Nam Á.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, chặng dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Maas là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có vai trò quan trọng đối với các hoạt động sơ tán ở sân bay Kabul cũng như việc tiếp nhận người tị nạn trong bối cảnh hoạt động sơ tán được gấp rút tiến hành sau khi Taliban giành quyền lực ở Afghanistan.

Tại Antalya, Ngoại trưởng Maas đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và việc sơ tán là một trong những chủ đề chính của cuộc gặp khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với Taliban về các hoạt động liên quan sau khi lực lượng Mỹ rút đi.

Đức đã đề xuất hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để xây dựng lại khu vực dân dụng của sân bay Kabul vốn bị hư hỏng nặng nề.

Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi có thể đóng góp, không chỉ về tài chính mà còn về mặt kỹ thuật, thì chúng tôi sẽ tham gia hỗ trợ."

Tuy nhiên, về khả năng tiếp nhận người tị nạn, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ Ankara không còn khả năng ứng phó thêm với bất kỳ gánh nặng người tị nạn nào nữa.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nêu rõ không sẵn sàng tiếp nhận thêm bất kỳ người tị nạn nào nữa, nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là "trại tị nạn của châu Âu." Tuy nhiên, ông cam kết sẽ hỗ trợ Taliban trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Afghanistan.

[Ngoại trưởng Anh gợi ý thương lượng với lực lượng Taliban]

Liên quan đề xuất của Pháp và Anh thiết lập vùng an toàn của Liên hợp quốc ở Kabul, Ngoại trưởng Đức ủng hộ đề xuất này nhằm hỗ trợ việc sơ tán công dân các nước cũng như lực lượng hỗ trợ người bản địa, song Ngoại trưởng Cavusoglu lại bày tỏ hoài nghi.

Ông nhấn mạnh: "Đề xuất đó nghe có vẻ hay, song liệu có dễ thực hiện và có khả thi hay không còn là điều phải cân nhắc."

Trong chuyến công du 4 ngày, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Đức cũng sẽ đến 3 nước láng giềng của Afghanistan là Uzbekistan, Pakistan và Tajikistan, cùng Qatar - quốc gia có diện tích nhỏ, nhưng có ảnh hưởng và tham gia tích cực vào các hoạt động sơ tán.

Thủ đô Doha của Qatar là nơi đặt văn phòng chính trị của lực lượng Taliban, nơi được coi như "Bộ Ngoại giao" của Taliban tại Afghanistan.

Đến nay sứ mệnh sơ tán của quân đội Đức đã kết thúc sau khi không quân nước này đã đưa 5.347 người thuộc 45 quốc gia ra khỏi Kabul.

Tuy nhiên, vẫn còn trên 10.000 người trong danh sách chờ được sơ tán của Bộ Ngoại giao Đức, trong đó có 300 người Đức. Theo Ngoại trưởng Maas, tuy sứ mệnh sơ tán do quân đội Đức thực hiện đã kết thúc, song các công việc khác vẫn đang được tiến hành cho tới khi mọi người cần được bảo vệ ở Afghanistan được an toàn.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận 3,7 triệu người di cư Syria và khoảng 300.000 người Afghanistan. Thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải triển khai các biện pháp tăng cường dọc biên giới phía Đông nhằm ngăn chặn dòng người di cư tiềm tàng từ Afghanistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.