Đức cam kết tăng ngân sách quốc phòng, đề cao vai trò của NATO

Thủ tướng Angela Merkel cho rằng châu Âu hiện không thể tự bảo vệ mình mà chủ yếu chỉ dựa vào khối liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương (NATO).
Đức cam kết tăng ngân sách quốc phòng, đề cao vai trò của NATO ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đức mong muốn các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) duy trì sự gắn kết, thậm chí chặt chẽ hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và từ năm 2030 sẽ đạt mục tiêu ngân sách quốc phòng lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bài phát biểu tại quốc hội ngày 27/11, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh việc duy trì NATO ngày nay thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho Đức nói riêng và châu Âu nói chung.

Bà nêu rõ châu Âu hiện không thể tự bảo vệ mình mà chủ yếu chỉ dựa vào khối liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này.

Chính vì vậy, Đức cần phải nỗ lực để đảm bảo sự thống nhất của NATO.

Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO vì lý do địa chiến lược.

Cũng trong phát biểu của mình, Thủ tướng Merkel cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP vào đầu những năm 2030 theo mục tiêu mà NATO đưa ra.

Cụ thể, Berlin sẽ tăng chi tiêu quốc phòng từ mức 1,42% GDP vào năm 2020 lên 1,5% vào năm 2024 và tiếp tục đạt mức 2% vào đầu những năm 2030.

Theo bà Merkel, Đức cũng cần quan tâm nhiều hơn đến hoạt động hỗ trợ và đào tạo binh lính của các nước đồng minh trong NATO.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức một lần nữa nhấn mạnh đóng góp của liên minh quân sự này trong việc ổn định tình hình ở khu vực Tây Balkan và Afghanistan cũng như sự cần thiết tìm kiếm các giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria và Libya.

Phát biểu đề cập đến vai trò quan trọng của NATO được Thủ tướng Merkel đưa ra ngay trước thềm kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh quân sự này.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng NATO đang trong thời kỳ "chết não," ám chỉ trong tình trạng tê liệt, đồng thời cảnh báo các thành viên châu Âu rằng họ không thể quá phụ thuộc vào Mỹ.

Theo ông Macron, chủ nghĩa đa phương trên thế giới đang suy yếu, bị các xu hướng dân tộc chủ nghĩa đe dọa và tình trạng này cũng ảnh hưởng tới NATO.

[Mỹ thúc ép các đồng minh chia sẻ gánh nặng ngân sách quốc phòng]

Cũng theo nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ đang có "dấu hiệu quay lưng" khi bất ngờ rút quân khỏi Đông Bắc Syria vào tháng trước mà không tham khảo ý kiến đồng minh.

Nhận định trên đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước phương Tây, trong đó có Đức.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sau đó đã bác bỏ phát biểu của Tổng thống Macron.

Ông nhấn mạnh: "NATO đang vững mạnh và đã thực thi một cơ chế phòng thủ tập thể lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. NATO đang mạnh hơn và linh hoạt hơn so với cách đây nhiều năm."

Nhà lãnh đạo NATO cũng giảm nhẹ những lo ngại về tương lai của tổ chức này trong bối cảnh những vấn đề như chia sẻ gánh nặng tài chính, chương trình hạt nhân Iran, các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria đang đẩy các thành viên của liên minh quân sự này vào thế đối đầu nhau.

Mối quan hệ giữa Mỹ và NATO đã trở nên căng thẳng hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông chủ Nhà Trắng liên tục thúc ép các đồng minh châu Âu phải tăng chi phí đóng góp cho tổ chức.

Việc phần lớn các nước thành viên từ chối gia nhập Liên minh Hàng hải ở Trung Đông của Mỹ cũng được xem là động thái làm "mất lòng" Tổng thống Trump.

Nhận định trên đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước phương Tây, trong đó có Đức.

Theo kế hoạch trong hai ngày 3-4/12, các nguyên thủ quốc gia các nước thành viên NATO sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô London (Anh)./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.