Đức cam kết viện trợ 100 triệu euro cho Ukraine chống chọi với mùa Đông

Xung đột dự kiến tiếp diễn vào mùa Đông khiến cuộc sống của người dân Ukraine trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, Đức quyết định hỗ trợ thêm cho lĩnh vực năng lượng của Ukraine.

Ngôi nhà bị phá hủy do xung đột tại Kramatorsk, Ukraine, ngày 14/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngôi nhà bị phá hủy do xung đột tại Kramatorsk, Ukraine, ngày 14/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này sẽ cam kết viện trợ thêm cho Ukraine 100 triệu euro (111 triệu USD) để giúp vượt qua mùa Đông lạnh giá.

Phát biểu trong chuyến công du đến Moldova, bà Baerbock cho biết xung đột dự kiến tiếp diễn vào mùa Đông khiến cuộc sống của người dân Ukraine trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, Đức quyết định hỗ trợ thêm cho lĩnh vực năng lượng của Ukraine.

Trước đó, chính quyền thành phố Sumy, Đông Bắc Ukraine báo cáo đã xảy ra các tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở khu vực Sumy trong bối cảnh thời tiết bắt đầu lạnh giá.

Một số quận đã bị cắt điện, các khu vực bị ảnh hưởng đang phải dựa vào lưới điện dự phòng. Cơ sở cung cấp nước ở Sumy cũng bị cắt điện và phải chuyển sang nguồn điện khẩn cấp.

Quyền thị trưởng Sumy, Artem Kobzar cho biết không có báo cáo nào về thương vong và các nhà chức trách đang nỗ lực đưa lưới điện trở lại hoạt động. Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng ảnh hưởng đến các quận Sumy, Konotop và Okhtyrka.

Theo giới chức Ukraine, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga tiếp tục trong đêm 16/9 cho đến sáng 17/9. Quân đội Ukraine cho biết đã bắn hạ được 34 trong số 51 máy bay không người lái.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết lực lượng Nga đã bắn hạ khoảng 16 máy bay không người lái gần khu vực biên giới Kursk, nơi lực lượng Ukraine đã chiếm giữ một số thị trấn và khu định cư của Nga trong 2 tháng qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.