Ngày 8/1, Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức đã lên tiếng cảnh báo nước này sẽ cắt nguồn viện trợ phát triển đối với các quốc gia từ chối nhận lại những người không được chấp nhận đơn xin tị nạn tại Đức.
Đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn các hệ quả xấu do người bị từ chối tị nạn tại Đức gây ra, như trường hợp của Anis Amri, nghi phạm chính trong vụ tấn công bằng xe tải vào chợ Giáng sinh Breitscheidplatz ở Berlin hôm 19/12/2016, khiến 12 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.
"Những quốc gia không có sự hợp tác hiệu quả sẽ không có hy vọng nhận được sự hỗ trợ phát triển từ phía Đức," Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Sigmar Gabriel nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel số ra cuối tuần qua.
Cùng ngày 8/1, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thomas de Maiziere khẳng định "hoàn toàn ủng hộ ý kiến này."
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Heiko Maas hôm 8/1 cũng cho biết "sẽ kiến nghị rất cụ thể các biện pháp nhằm tạm giữ những người có khả năng gây nguy hiểm trước khi việc trục xuất được tiến hành."
Dự kiến vào ngày 10/1 tới, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức sẽ gặp nhau để thảo luận về các kiến nghị, trong đó có khả năng đề cập đến việc tăng cường giám sát bằng video, vốn bị hạn chế ở Đức do vấn đề lịch sử để lại.
Trong vụ tấn công ở Berlin, nghi phạm Anis Amri, một thanh niên 24 tuổi đến từ Tunisia, trước đó đã bị nhà chức trách Đức từ chối đơn xin tị nạn vào tháng 6/2016.
Tuy nhiên, việc trục xuất người này chưa thể thực hiện do phía Tunisia trì hoãn trong việc cấp lại giấy tờ cá nhân cho công dân của mình.
Giấy tờ của Amri chỉ được phía Tunisia chuyển cho phía Đức hai ngày sau khi vụ tấn công ở Berlin xảy ra, và cuối cùng nghi phạm này bị cảnh sát Italy tiêu diệt trong một cuộc đấu súng ở thành phố Milan vào rạng sáng 23/12/2016, sau hành trình trốn chạy từ Đức sang Hà Lan, Bỉ, Pháp và Italy.
Cũng giống như Amri, hàng nghìn người đến từ khu vực Bắc Phi đã bị từ chối đơn xin tị nạn, song nhà chức trách Đức đang gặp khó khăn trong việc trục xuất những người này do các quốc gia từ chối nhận lại công dân của mình./.