Đức cảnh báo nguy cơ Italy có thể bị phụ thuộc vào Trung Quốc

Sau khi Italy ký kết MoU với Trung Quốc, Ngoại trưởng Đức Maas cho rằng một số quốc gia có ý định tham gia các dự án hợp tác với Trung Quốc cần đề phòng để tránh lệ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh.
Đức cảnh báo nguy cơ Italy có thể bị phụ thuộc vào Trung Quốc ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: rte.ie)

Ngày 24/3, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi Italy chú trọng vai trò thành viên Liên minh châu Âu (EU) và tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Phát biểu trên tờ Welt am Sonntag của Đức, Ngoại trưởng Maas cho rằng một số quốc gia có ý định tham gia các dự án hợp tác với Trung Quốc cần đề phòng để tránh lệ thuộc quá nhiều vào cường quốc châu Á này.

Theo ông, Bắc Kinh hiện đang theo đuổi những lợi ích riêng trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, để có thể hợp tác cùng thắng với các nước lớn hiện nay trên thế giới như Trung Quốc, Nga và Mỹ thì các nước châu Âu cần thống nhất với tư cách là thành viên Liên minh châu Âu (EU) để khẳng định mình.

Phát biểu trên của Ngoại trưởng Đức Maas được đưa ra sau khi Italy và Trung Quốc hôm 23/3 đã cùng ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa hai chính phủ trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai và con đường."

Qua đó, hai bên cùng xây dựng cửa khẩu ở phía Bắc, kết nối với “Kế hoạch đầu tư vào Italy” để mở rộng hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như giao thông, môi trường, năng lượng, thể thao, giao lưu giữa các địa phương.

Việc Italy ký kết MoU với Trung Quốc lập tức vấp phải làn sóng phản đối tại Đức. Ủy viên Ngân sách châu Âu Gunther Oettinger cho rằng việc mở rộng hệ thống kết nối giao thông Á-Âu về cơ bản là tốt nhưng cần phải được cân nhắc dựa trên nguyên tắc đảm bảo độc lập và chủ quyền của EU.

[Trung Quốc và Italy thúc đẩy xây dựng dự án 'Vành đai, Con đường']

Ông cho rằng một số quốc gia thành viên EU đôi khi chưa cân nhắc kỹ các lợi ích quốc gia và khu vực, vì vậy Ủy ban châu Âu (EC) nên cân nhắc áp dụng quyền phủ quyết hoặc yêu cầu các quốc gia phải xin phép ý kiến trước khi đưa ra quyết định.

Sáng kiến "Vành đai và con đường" là một chiến lược phát triển của Bắc Kinh. Dự án liên quan đến đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trên 152 quốc gia và tổ chức quốc tế ở châu Âu, châu Á, Trung Đông, khu vực Mỹ Latinh và châu Phi.

Tuy nhiên, hiện cả Mỹ và EU đều có nhiều ý kiến lo ngại về dự án này. Thậm chí ngay cả trong nội bộ Chính phủ Italy, dự án này vẫn đang gây tranh cãi khi những người phản đối cảnh báo nguy cơ ngày càng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Hiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cân Bình đang ở thăm Pháp trong khuôn khổ chuyến công du tới 3 nước châu Âu gồm Italy, Monaco và Pháp.

Tại Pháp, Chủ tịch Trung Quốc đã gặp gỡ Tổng thống Emmanuel Macron và dự kiến sẽ có các cuộc làm việc chính thức để thảo luận về quan hệ song phương.

Theo kế hoạch, hai bên sẽ ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ và năng lượng sạch.

Sau đó, ngày 26/3, hai lãnh đạo Pháp, Trung Quốc cũng tham gia cuộc họp với Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu ÂU (EC) Jean-Claude Juncker để vạch ra những "điểm chung" trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tại Brussels vào tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.