Đức chấp nhận việc Anh có thể đơn phương đảo ngược quá trình Brexit

Phía Đức cho rằng họ chấp nhận một phán quyết rằng Chính phủ Anh có thể đơn phương "đảo ngược" quyết định Brexit mà không cần tham vấn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác.
Đức chấp nhận việc Anh có thể đơn phương đảo ngược quá trình Brexit ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May tại thủ đô London ngày 5/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 10/12, một nữ phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết nước này chấp nhận một phán quyết của Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (ECJ) rằng Chính phủ Anh có thể đơn phương "đảo ngược" quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không cần tham vấn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác.

Phát biểu trước báo giới, nữ phát ngôn viên trên cũng cho biết Berlin vẫn lấy làm tiếc trước việc Anh quyết định rời EU.

Theo nữ phát ngôn viên này, Chính phủ Đức vẫn sẽ xem thỏa thuận Brexit sơ bộ đạt được giữa London và EU hồi tháng trước là nền tảng cho tiến trình Anh rời khỏi EU một cách có trật tự.

[Tòa án châu Âu: Anh có thể đơn phương đảo ngược quá trình Brexit]

Trước đó, ECJ đã ra phán quyết rằng Chính phủ Anh có thể đơn phương "đảo ngược" quyết định rời khỏi EU mà không cần tham vấn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác.

Vụ việc trên đã được một tòa của Scotland kiện lên tòa của EU ở Luxembourg. Scotland là nơi các chính trị gia phản đối Brexit đề nghị tòa án ra phán quyết để làm rõ cách diễn giải Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Điều luật này cho phép London có hai năm để chuẩn bị cho cuộc "ly hôn" với EU, song không nói rõ quy định nếu quốc gia định ra khỏi "ngôi nhà chung" đó thay đổi suy nghĩ và muốn ở lại.

Những người đâm đơn kiện cho rằng việc đảo ngược tiến trình Brexit hoàn toàn có thể được thực hiện mà không cần sự chấp thuận của bất cứ quốc gia thành viên EU nào khác, đồng thời khuyến cáo các nghị sỹ Anh nên ngăn chặn cuộc "ly hôn" này trước khi nó xảy ra vào ngày 29/3/2019.

Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh rằng Anh sẽ rời EU vào tháng 3 tới. Nhưng bà đang phải đối mặt với một "trận chiến" cam go trong nghị viện khi tìm cách phê chuẩn bất cứ thỏa thuận nào trong tương lai, nhất là liên quan đến cách xử lý vấn đề biên giới với Ireland.

Một người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết chính phủ đang tìm cách kháng cáo quyết định của Tòa Hình sự Scotland khi khiếu kiện lên ECJ.

Người phát ngôn này cũng nhấn mạnh chính sách kiên định của Chính phủ Anh là không đảo ngược tiến trình Brexit như được quy định trong Điều 50.

Trước đó, ngày 6/11, Chính phủ Anh cho biết đã trình bản nhận xét lên ECJ, tái khẳng định quan điểm của mình rằng tòa nên bác bỏ vụ kiện trên bởi từ lâu tòa đã từ chối xét xử các vấn đề mang tính giả định hoặc chỉ dựa trên thăm dò dư luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.