Đức: Châu Âu có chung mối quan tâm với Nga và Trung Quốc về Iran

Thủ tướng Angela Merkel cho biết các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân với Iran có chung mối quan tâm với Nga và Trung Quốc về vấn đề này.
Đức: Châu Âu có chung mối quan tâm với Nga và Trung Quốc về Iran ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo mùa hè ở Berlin, Đức. (Nguồn: THX/TTXVN)


Trả lời phỏng vấn nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung (SZ) ngày 15/5, Thủ tướng Angela Merkel cho biết các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân với Iran có chung mối quan tâm với Nga và Trung Quốc về vấn đề này.

Tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ban đầu gồm Iran và các cường quốc gồm Anh, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Đức.

SZ dẫn lời bà Merkel cho biết: "Đức, Pháp và Anh đang thực hiện một cách tiếp cận khác với Mỹ về vấn đề thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngoài những bất đồng khác, chúng tôi thậm chí lại có chung mối quan tâm với Nga và Trung Quốc về vấn đề Iran."

[Đức cảnh báo về căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran]

Bà Merkel thừa nhận rằng châu Âu dường như “có vị thế yếu hơn” trong vấn đề liên quan tới Iran. Tuy nhiên, bà Merkel cho rằng châu Âu đã đạt được tiến bộ, không còn bị chia rẽ về vấn đề quan trọng này. Người đứng đầu Chính phủ Đức kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải tìm kiếm quan điểm chung.

Liên quan đến vấn đề Iran, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 16/5 đã lên tiếng kêu gọi Iran tuân thủ các cam kết của nước này trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân sau khi Tehran quyết định đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận nhằm đáp trả động thái siết chặt trừng phạt của Mỹ.

Phát biểu trong cuộc gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), ông Kono nhấn mạnh cần duy trì thỏa thuận hạt nhân không chỉ vì quan hệ song phương mà còn vì cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, cũng như vì hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Ông Kono khẳng định sẽ nỗ lực nhằm giúp giảm căng thẳng và giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Zarif bày tỏ hy vọng rằng Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Mỹ, cũng như những đối tác khác sẽ áp dụng “những biện pháp thiết thực nhằm duy trì thỏa thuận quốc tế có giá trị này.”

Bên cạnh đó, ông Zarif coi "sự leo thang" tình hình do Mỹ gây ra là hành động "không thể chấp nhận được," đồng thời khẳng định Tehran luôn duy trì việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Ngày 8/5 vừa qua, Iran đã tuyên bố đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử dù vẫn duy trì tuân thủ văn kiện. Động thái của Iran được xem là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA hồi năm ngoái.

Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.