Đức: Châu Âu lo ngại viễn cảnh một cuộc chạy đua vũ trang mới

Đức cho rằng Nga "trên thực tế đã làm mất hiệu lực" một hiệp ước giảm thiểu tên lửa thời Chiến tranh Lạnh mà Mỹ có ý định từ bỏ, trong khi châu Âu lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới.
Đức: Châu Âu lo ngại viễn cảnh một cuộc chạy đua vũ trang mới ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: dpa)


AFP đưa tin, ngày 1/2, Đức cho rằng Nga "trên thực tế đã làm mất hiệu lực" một hiệp ước giảm thiểu tên lửa thời Chiến tranh Lạnh mà Mỹ có ý định từ bỏ, trong khi châu Âu lo ngại về viễn cảnh xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Thời hạn mà Mỹ đề ra cho Nga phải quay lại tuân thủ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sẽ hết hạn vào ngày 2/2, song Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là sẽ công bố Washington rút khỏi hiệp ước này sớm nhất vào ngày 1/2.

Các nước phương Tây cho rằng hệ thống tên lửa tầm trung mới của Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước năm 1987 này và đặt các thành phố ở châu Âu vào sự nguy hiểm.

[Mỹ có thể thông báo rút khỏi Hiệp ước INF trong ngày 1/2]

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, người đã thực hiện hoạt động ngoại giao con thoi giữa Moskva và Washington trong những tuần gần đây nhằm tìm cách cứu vãn INF, cho rằng Nga vẫn vi phạm hiệp ước này.

Bộ trưởng Maas nói: "Chúng tôi lưu ý rằng INF đã bị phía Nga vi phạm và thời hạn 60 ngày vừa qua để chứng tỏ sự minh mạch và thông tin rõ ràng hơn trôi qua mà không đạt được kết quả gì."

Phát biểu trên được ông đưa ra khi đến tham dự cuộc họp của ngoại trưởng các nước EU tại thủ đô Bucharest (Romania).

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. 

Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km). 

Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729.” 

Đến tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là 2/2 tới. 

Tuy nhiên, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729," đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.