Đức cứng rắn trước việc Thổ Nhĩ Kỳ dọa mở cửa cho người di cư

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa mở cửa biên giới cho người di cư tràn vào châu Âu, Chính phủ Đức cho rằng những lời đe dọa "không giúp ích" cho thỏa thuận về vấn đề người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đức cứng rắn trước việc Thổ Nhĩ Kỳ dọa mở cửa cho người di cư ảnh 1Người di cư vượt biển đến châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Trong phản ứng đầu tiên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa mở cửa biên giới cho người di cư tràn vào châu Âu, ngày 25/11, Chính phủ Đức cho rằng những lời đe dọa "không giúp ích" cho thỏa thuận về vấn đề người di cư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Ulrike Demmer, nữ phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, khẳng định việc EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận về vấn đề người di cư là thành công của cả hai phía, và tiếp tục thực hiện thỏa thuận này là vì lợi ích của cả hai bên.

Bà Ulrike Demmer nhấn mạnh EU sẵn sàng thực hiện những cam kết theo thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, do vậy những lời đe dọa của bất cứ phía nào cũng đều không giúp ích.

Bà Ulrike Demmer cho rằng khi xuất hiện những bất đồng, hai bên cần phối hợp giải quyết.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo có thể mở cửa biên giới để người di cư tràn vào châu Âu, nhằm đáp trả việc Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua nghị quyết ủng hộ ngừng các cuộc đàm phán kết nạp Ankara làm thành viên Liên minh châu Âu (EU). 

Hồi tháng 3 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã ký một thỏa thuận gây tranh cãi, theo đó người di cư tới EU không đủ điều kiện tị nạn sẽ bị đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Ankara yêu cầu EU hỗ trợ tài chính và tiếp nhận những người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ theo cơ chế “một đổi một.”

Thỏa thuận này bao gồm hàng tỷ USD viện trợ và miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.

Tuy nhiên, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau khi chính quyền Ankara tiến hành các cuộc trấn áp nhằm vào các đối tượng tham gia và ủng hộ cuộc đảo chính bất thành hồi giữa tháng 7 vừa qua.

EU cho rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nhân quyền khi sa thải hàng trăm nghìn viên chức nhà nước, bắt giam hàng chục nghìn binh sĩ, cảnh sát, công tố viên, thẩm phán giáo viên...

EU cũng đã hoãn thực hiện cam kết áp dụng quy chế miễn thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.