Đức: Đảng SPD ra điều kiện cho việc tái lập 'đại liên minh'

Để đổi lại sự tham gia của đảng Xã hội Dân chủ Đức vào một "đại liên minh," SPD đề nghị những nhượng bộ cụ thể từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo.
Đức: Đảng SPD ra điều kiện cho việc tái lập 'đại liên minh' ảnh 1Lãnh đạo đảng SPD Martin Schulz phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 15/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 22/12, đảng Xã hội Dân chủ Đức (SPD) đã đề nghị tăng thuế đánh vào người giàu, coi đây là điều kiện để tái lập "đại liên minh" với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel.

Tạp chí SPIEGEL của Đức dẫn lời lãnh đạo nhóm nghị sĩ SPD Andrea Nahles cho biết để đổi lại sự tham gia của SPD vào một "đại liên minh," SPD đề nghị những nhượng bộ cụ thể từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU).

Bà Nahles cũng nói rõ rằng những người có thu nhập nhiều nhất cần đóng góp tài chính nhiều hơn cho các công việc nhà nước. Để đạt mục đích này, bà đề xuất tăng thuế hoặc áp dụng thêm một khoản "thuế nhà giàu". Lãnh đạo SPD tại Hạ viện cũng kêu gọi chia sẻ đều gánh nặng tài chính về vốn và lao động, loại bỏ cái mà bà gọi là "hệ thống 2 cấp" trong chăm sóc y tế.

[Đức: Liên đảng CDU/CSU, SPD lạc quan về lập chính phủ liên minh]

Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng Tài chính Peter Altmaier, người của đảng CDU, cho rằng tăng thuế và tăng nợ công không phải là giải pháp mà CDU/CSU muốn. Thay vào đó, liên đảng này muốn giảm bớt gánh nặng tài chính cho người có thu nhập thấp hoặc trung bình. Tuy nhiên, ông Altmaier cũng cho biết liên đảng "sẽ không vạch giới hạn đỏ nào" trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán liên minh vào đầu tháng 1/2018. Quyền Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh rằng chính phủ mới nên tập trung đạt tăng thu thuế nhờ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng có thể đạt một thỏa thuận về việc này với SPD.

Từ sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24/9 đến nay, Đức đã rơi vào khủng hoảng chính trị do chưa thành lập được chính phủ. Đây có thể nói là thời khắc khó khăn kéo dài nhất đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu này kể từ năm 1949. Tuy không bị áp đặt thời hạn theo Hiến pháp để thành lập chính phủ liên minh, nhưng Thủ tướng Merkel vẫn hối thúc "các cuộc đàm phán nhanh" hướng tới "một chính phủ ổn định". Bà nhấn mạnh "một chính phủ ổn định là cơ sở tốt nhất" để thể hiện vị thế trên trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.