Đức đứng trước nguy cơ gia tăng các nhóm khủng bố cực đoan

Cảnh sát Đức cho hay số lượng các tổ chức theo chủ nghĩa cực đoan và các hành vi phạm tội, bạo lực do những nhóm này gây ra đã gia tăng đáng kể trong nhiều năm trở lại đây.
Đức đứng trước nguy cơ gia tăng các nhóm khủng bố cực đoan ảnh 1Cảnh sát Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đức đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng từ các nhóm khủng bố và các nhóm cực đoan cánh hữu.

Đây là nhận định được người đứng đầu Cục Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA) Holger Muench đưa ra ngày 16/8.

Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến, ông Holger Muench cảnh báo số lượng các tổ chức theo chủ nghĩa cực đoan và các hành vi phạm tội, bạo lực do những nhóm này gây ra đã gia tăng đáng kể trong nhiều năm trở lại đây.

Ông cho biết Cục Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA) đã nhận thấy rõ nguy cơ các nhóm cực đoan này có thể hình thành các cấu trúc mới, thậm chí là các nhóm khủng bố với mục tiêu thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các trung tâm tị nạn và các nhà thờ Hồi giáo.

Trước nguy cơ trên, ông Holger Muench khẳng định các cơ quan an ninh của Đức đã và đang áp dụng một chiến lược mới nhằm "phá vỡ" các cấu trúc này sớm nhất có thể trước khi các nhóm cực đoan tự chuyển hóa thành các tổ chức khủng bố.

Cụ thể, BKA đã phân loại 41 đối tượng cực đoan cánh hữu vào nhóm những kẻ khủng bố tiềm năng và bị đặt dưới sự giám sát của cơ quan này.

Ngoài ra, BKA cũng đang tiến hành giám sát 112 đối tượng cực đoan khác do nghi ngờ những người này thực hiện hoạt động hỗ trợ cho các nhóm cực hữu có xu hướng bạo lực.

Trong những năm gần đây, tư tưởng bài ngoại và chống người nhập cư theo tuyên truyền của các nhóm phát xít mới và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đang ngày một gia tăng tại Đức.

Các số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Đức cho biết trong năm 2018, cảnh sát ghi nhận có hơn 19.000 vụ phạm tội do các nhóm cực hữu gây ra, trong đó có khoảng 1000 vụ tấn công bạo lực nhằm vào người nước ngoài, người nhập cư và các đối thủ chính trị, khiến gần 500 người bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.