Để giúp đỡ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua thực hiện dự án Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ) đã giúp đỡ bà con kỹ thuật trồng rừng ngập mặn.
Sau khoảng tám năm trồng rừng ngập mặn, cuộc sống bà con đã ổn định, đặc biệt là vùng biển thuộc ấp Vàm Rầy (huyện Hòn Đất, tỉnh kiên Giang) - một trong nhiều nơi dự án triển khai thực hiện.
Theo bà Đỗ Thị Kim Thu, sống ở ấp Vàm Rầy, từ khi có đê và có rừng ngập mặn ngoài đê, nước biển không vào đất liền, gia đình bà đã trồng được cây và nuôi thủy sản. Nhiều năm trước, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức trồng rừng để bảo vệ đê, ngăn nước mặn nhưng không thành công vì sóng quá mạnh nên đã cuốn cây đi.
Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay, với sự hỗ trợ của chính quyền, dự án ICMP đã triển khai trồng rừng ngập mặn tại ấp Vàm Rầy, cây trồng đã sống, rừng được phục hồi, tái sinh và giảm hiện tượng biển lấn sâu vào đất liền, đời sống và sản xuất của người dân dần dần ổn định.
Ông Huỳnh Hữu To - cán bộ kỹ thuật của dự án ICMP tại Kiên Giang, cho biết để trồng rừng thành công, cán bộ kỹ thuật của GIZ đã hướng dẫn bà con làm hàng rào cừ tràm để chắn sóng nhằm ngăn sự xói lở vào bờ và cuốn bùn ra biển, sau đó mới trồng cây con và đặc biệt là cây con phải được ươm tại chính vùng đất đó nên khả năng cây sống là rất cao. Sau một năm, cây trồng đã cao khoảng 3-4m và sinh trưởng thành rừng tạo thành bờ đê, giảm sức mạnh của sóng, ngăn nước mặn vào sâu trong đất liền.
Tuy nhiên để bảo vệ rừng ngập mặn, dự án ICMP còn phối hợp với chính quyền tổ chức tuyên truyền cho người dân tại Vàm Rầy đứng ra thành lập mô hình tự quản. Theo đó, bà con ở Vàm Rầy đứng ra nhận bảo vệ một diện tích rừng ngập mặn và đổi lại các hộ dân bảo vệ rừng sẽ được khai thác con Ba Khía, thủy sản trong khu vực rừng ngập mặn do mình quản lý.
Theo chị Nga sống ở đây, nguồn lợi kinh tế từ thủy sản mang lại chưa cao nhưng với lợi ích mà rừng ngập mặn mang lại trong việc đảm bảo sinh kế và đời sống của người dân tại ấp Vàm Rầy đã thấy rõ, chính vì lẽ đó mà dự án đã được sự ủng hộ và đồng thuận của người dân tại địa phương.
Thành công của mô hình khôi phục rừng ngập mặn ở Vàm Rầy đã mở ra hướng đi mới trong việc tiếp cận và phục hồi các cánh rừng ngập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long. Ông Nguyễn Tín, Phó giám đốc Ban quản lý rừng Hòn Đất (Kiên Giang), cho biế, với 172 triệu đồng cho 1ha trồng rừng ngập mặn và công chăm sóc thì chi phí này thấp hơn nhiều so với đầu tư xây dựng đê bằng bêtông để ngăn nước.
Với khoảng 205km bờ biển và hơn 25% đường bờ biển đang bị xói lở nghiêm trọng, Kiên Giang cũng như các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những nguy cơ lớn do tình trạng lở đê dẫn tới xâm nhập mặn. Những con đê cứ được xây lên lại bị sóng đánh lôi ra biển, chi phí xây những con đê ximăng hay bêtông vừa quá đắt với khả năng hiện tại vừa không còn là giải pháp duy nhất được quốc tế khuyến cáo do nghi ngờ tính bền vững và thân thân thiện với môi trường của nó về lâu dài.
Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp ít nhất 50% sản lượng lúa, 60% sản lượng cá và 70% sản lượng cây ăn quả so với cả nước. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở khu vực này đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu đã đe dọa đến sản lượng nông nghiệp nơi đây, đặc biệt là sản lượng lúa./.